Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, trận động đất độ lớn 4.4 xảy ra lúc 13 giờ 30 phút 56 giây ngày 22/8/2024, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trận động đất này tương đối mạnh, gây rung lắc rõ cho khu vực tâm chấn và vùng lân cận trong tỉnh Kon Tum như huyện Đắk Hà, huyện Đắk Glei, thành phố Kon Tum. Một số người dân tại Quảng Ngãi, Gia Lai... cũng cảm thấy rung lắc nhẹ.
Vị trí tâm chấn trận động đất 4.4 ngày 22/8
Không chỉ có 1 trận độ lớn 4.4, mà từ rạng sáng tới đầu giờ chiều ngày 22/8/2024, tổng cộng 6 trận động đất đã liên tiếp xảy ra. Cụ thể:
Trận 1: độ lớn 2.8, xảy ra lúc 01 giờ 35 phút 41 giây, độ sâu chấn tiêu 8.1 km
Trận 2: độ lớn 3.0, xảy ra lúc 02 giờ 52 phút 04 giây, độ sâu chấn tiêu 8.0 km
Trận 3: độ lớn 2.5, xảy ra lúc 02 giờ 59 phút 44 giây, độ sâu chấn tiêu 8.3 km
Trận 4: độ lớn 2.9, xảy ra lúc 12 giờ 50 phút 56 giây, độ sâu chấn tiêu 8.1 km
Trận 5: độ lớn 4.4, xảy ra lúc 13 giờ 30 phút 56 giây, độ sâu chấn tiêu 8.1 km
Trận 6: độ lớn 3.0, xảy ra lúc 13 giờ 42 phút 26 giây, độ sâu chấn tiêu 8.1 km
Đây là các trận động đất kích thích, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0, không gây thương vong về người và tài sản.
Trước đó, huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum cũng liên tục ghi nhận các trận động đất có độ lớn 4.2 (ngày 20/8) và 4.0 (ngày 21/8).
Kon Tum vẫn liên tiếp xảy ra động đất
Tần suất các trận động đất độ lớn từ 4.0 trở xảy ra nhiều hơn tại Kon Tum là điều bất thường hay không?
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các trận động đất tại khu vực này có độ lớn thường không quá 5.0.
Ông cho biết, hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn. Trước và sau một trận động đất lớn thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn thì tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.
Trong thời gian tới, động đất vẫn sẽ còn tiếp tục xảy ra, không loại trừ khả năng có những trận có độ lớn 5.0. Khi xảy ra động đất, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng chống; thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân, để người dân hiểu rõ vấn đề, tránh hoang mang lo lắng.
Người dân Kon Tum được phổ biến kiến thức về động đất
Ông Xuân Anh thông tin thêm, động đất có thể gây ra nứt đất; gây rung lắc, phá hủy công trình, hóa lỏng nền đất gây lún, nghiêng công trình; sụt lún, sạt lở đất, đá lăn từ vách núi; có thể làm sụt giảm mực nước ngầm, ảnh hưởng nguồn nước. Ví dụ trận động đất tại Cao Bằng năm 2019 (độ lớn 5.4) làm khu vực xã Đàm Thủy bị mất nước suối, mỏ nước cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân xung quanh bị cạn, một số giếng khoan, nước đục như bùn loãng. Hay trận động đất tại Mộc Châu năm 2020 (độ lớn 5.3) tại xã Nà Mường làm mặt đất có hiện tượng phụt nước ra...
Cũng theo ông Xuân Anh, động đất kích thích liên quan đến các yếu tố mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa. Tuy nhiên cần có nghiên cứu làm rõ cơ chế tác động, mối quan hệ giữa hoạt động tích nước và động đất kích thích.
Tính đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 12 trạm quan trắc để theo dõi tình hình đồng đất tại Kon Tum, trong đó có 8 trạm cố định và 4 trạm di động. Viện cũng sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về động đất để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!