Thông qua những tư liệu, hiện vật, hình ảnh lưu trữ quý giá lần đầu tiên được công bố, bức tranh về làng nghề - phố nghề của kinh thành Thăng Long xưa - "đất kẻ chợ trăm nghề" giai đoạn thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được tái hiện sinh động.
"Thăng Long kẻ chợ" - tên gọi từng gắn liền với Hà Nội từ hàng trăm năm trước khi kinh thành là nơi thu hút những người thợ thủ công lành nghề từ các miền quê về buôn bán và định cư. Không chỉ lập xưởng nghề và đình thờ tổ nghề, những khu phố thị mang tên "Hàng" chuyên các ngành nghề thủ công buôn bán đã in hằn dấu tích về một Thăng Long - đất trăm nghề, niềm tự hào của người Hà Nội.
Lần theo những tư liệu lưu trữ quý được trưng bày, niềm tự hào của người Hà Nội sẽ nhân lên gấp bội khi biết rằng, từ hơn một thế kỷ trước, mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã không chỉ nức tiếng ở các chợ đấu xảo thuộc địa Pháp, mà còn có mặt ở nhiều nước khác như Hong Kong, Mỹ, đánh dấu một bước tiến dài trong hành trình chinh phục thị trường nước ngoài của người thợ thủ công Việt.
Lụa Yên Sở, La Khê, đồ trạm khảm Chuyên Mỹ, tranh thêu Bình Lăng đã ghi danh tại những cuộc đấu xảo toàn cầu từ những năm 1900. Một câu chuyện hấp dẫn về làng nghề thủ công của đất Thăng Long cuối thể kỷ XIX - đầu thế kỷ XX
Hơn 130 hình ảnh, tư liệu lưu trữ quý lần đầu tiên được công bố trên chính các sản phẩm thủ công Hà Nội tại triển lãm này là bức tranh sinh động về nghề thủ công ở Hà Nội.)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!