Làm sao để thực phẩm bẩn không len lỏi vào bữa ăn ngày Tết?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 27/12/2022 06:10 GMT+7

VTV.vn - Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề. Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng thực phẩm bẩn vẫn xuất hiện trên thị trường.

Hàng tấn chân gà bẩn, bốc mùi "đội lốt" hàng chất lượng

Thực phẩm bẩn là vấn đề mà dịp cận Tết Nguyên Đán nào cũng phải đề cập tới bởi đây là dịp có nhu cầu tiêu dùng lớn nhất trong năm. Chính vì vậy, dù nằm trong tháng "cao điểm" chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, an toàn thực phẩm thì thực phẩm bẩn vẫn tìm đủ mọi cách tuồn vào thị trường.

Chỉ cách đây vài ngày, Công an huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội vừa phát hiện một vụ chân gà bẩn, bốc mùi "đội lốt" hàng chất lượng.

Làm sao để thực phẩm bẩn không len lỏi vào bữa ăn ngày Tết? - Ảnh 1.

Chân gà bẩn, bốc mùi "đội lốt" hàng chất lượng

Mốc đen, cáu bẩn … bất kỳ vật dụng nào có thể chứa đựng đều dùng để ngâm chân gà. Sàn nhà khu vực chế biến cũng là nơi chân gà được đổ đống la liệt. Còn về mùi hôi thối của số chân gà đang được chế biến tại đây, chủ cơ sở lý giải là do phần xương của chân gà.

Được biết, cơ sở có đăng ký kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở có gần 2 tấn chân gà trong đó có hơn 1,2 tấn là hàng có nguồn gốc còn khoảng 700 cân là thu mua trôi nổi ngoài thị trường. Chủ cơ sở cho biết, vì giá rất rẻ nên đã thu mua số chân gà bốc mùi này về để trà trộn trong quá trình chế biến để kiếm lời.

Theo khai nhận của chủ cơ sở, việc chế biến chân gà rút xương mới chỉ diễn ra 2 tháng trở lại đây, xuất ra thị trường không đáng kể. Tuy nhiên, nhân viên tại đây cho biết, cơ sở đã hoạt động hơn nửa năm nay. Lượng thành phẩm chế biến trong 1 ngày lên đến hơn 1 tấn.

Lỗ hổng giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm bò sống nhập khẩu

Thực phẩm bẩn không chỉ là những sản phẩm đã được sơ chế, chế biến. Nguy cơ này còn có ngay cả đối với những động vật còn sống. Gần đây nhất chính là vụ việc nhập khẩu bò sống vào Việt Nam. So với thịt bò nhập khẩu thì việc kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm bò sống nhập khẩu đang có nhiều lỗ hổng.

Làm sao để thực phẩm bẩn không len lỏi vào bữa ăn ngày Tết? - Ảnh 2.

Quy trình phối hợp kiểm tra, kiểm dịch động vật sống nói chung, trâu bò sống nói riêng nhập khẩu vào Việt Nam

Khi chúng được vận chuyển về đến biên giới, đơn vị nhập khẩu phải khai báo với cơ quan kiểm dịch cửa khẩu. Nếu hồ sơ hợp lệ, động vật được đưa về bãi kiểm hóa cách ly để kiểm tra sơ bộ. Nếu không có dấu hiệu truyền nhiễm, phương tiện đã được tiêu độc khử trùng thì được phép vận chuyển về khu cách ly kiểm dịch để thực hiện vệ sinh tiêu độc và lấy mẫu để xét nghiệm thú y.

Khi có kết quả xét nghiệm, nếu như âm tính, động vật không có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì chi cục thú y vùng 3 sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu và thông báo cho chủ hàng để làm các thủ tục. Một là thông quan, hai là phối hợp với Chi cục Thú y địa phương để cấp giấy chứng nhận vận chuyển động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.

Khi đã có giấy thì sau 8 tiếng bò sẽ được chở về tới các lò mổ ở phía Bắc. Tại đây cán bộ thú y địa phương cũng sẽ chỉ lấy mẫu xét nghiệm bệnh. Còn các tiêu chuẩn chất lượng liên quan đến việc miếng thịt đó có chất cấm hay không, có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không thì chưa được thực hiện. Tức là miếng thịt bò nhập về thì có kiểm tra an toàn thực phẩm, còn con bò nhập về thì chưa có quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm.

Trước bất cập này, ngày 14/9 vừa qua, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 10 bổ sung quy định về giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm cho động vật nhập khẩu.

Lâu nay, những cơ sở nhập khẩu bò từ Australia luôn phải chịu sự giám sát của nước xuất khẩu từ khâu nuôi vỗ béo đến khi giết mổ. Tuy nhiên, ngay tại trong nước hiện vẫn đang thiếu vai trò giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương tiêu thụ chính bò nhập khẩu. Nhận diện rõ lỗ hổng quản lý và có giải pháp kịp thời sẽ là cơ sở để ngăn chặn những miếng thịt có hàm lượng chất cấm vượt mức cho phép để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thị trường hàng hóa Tết năm nay ước tính sẽ tăng khoảng 10-15% về nhu cầu so với năm ngoái. Để ngăn chăn thực phẩm bẩn ra thị trường thì không thể thiếu việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, xét về lâu về dài, rõ ràng thị trường cần một nguồn cung dồi dào hơn nữa, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, chợ kinh doanh thực phẩm an toàn.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự ủng hộ của người tiêu dùng. Chỉ có người tiêu dùng mới là người quyết định lựa chọn sản phẩm nào và tạo cơ hội để cho thực phẩm có chất lượng được phát triển.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước