Làm thế nào đảm bảo an toàn trước "thách thức kép" từ thiên tai và dịch bệnh?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 12/06/2021 18:16 GMT+7

VTV.vn - Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, công tác phòng chống mưa bão sẽ gặp nhiều thách thức.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều nay (12/6), bão số 2 đã vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của bão, ở huyện đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to.

Hồi 16h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 140km về phía Đông Nam; cách đất liền khu vực từ Hải Phòng đến Nghệ An khoảng 260km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 4h ngày 13/6, vị trí tâm bão ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ từ Hải Phòng đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 12 đến 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh/thành phố khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó là một vùng áp thấp.

Làm thế nào đảm bảo an toàn trước thách thức kép từ thiên tai và dịch bệnh? - Ảnh 1.

Dự báo mùa mưa bão năm nay có tổng số bão/ATNĐ dự báo sẽ là 12-14 cơn trên Biển Đông, trong đó khoảng 5-7 cơn sẽ ảnh hưởng tới đất liền. Từ nay đến tháng 9, bão/ATNĐ sẽ tập trung ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Từ tháng 10-12 sẽ là ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Chúng tôi dự báo số lượng bão trên khu vực Biển Đông cũng như là ảnh hưởng tới đất liền sẽ xấp xỉ trung bình nhiều năm. Khả năng xuất hiện 6-7 cơn bão trong 1 tháng như 2020 sẽ rất ít. Đối với mưa lớn, mưa nhiều nhất vào tháng 10 ở Trung Bộ, nhưng lượng và cường độ mưa ít hơn nhiều năm 2020. Chúng tôi nhận định, trên các sông lớn, mức độ không bằng năm 2020, nhưng vẫn hết sức đề phòng hiện tượng quy mô nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc",

Mùa bão, lũ năm nay được nhận định mức độ sẽ không dồn dập và lịch sử như năm ngoái, nhưng chúng ta lại đang phải đối mặt với thách thức lớn hơn đó là đại dịch COVID-19 năm nay diễn biến dai dẳng hơn, phức tạp hơn. Thảm họa kép có nguy cơ cao xảy ra.

Làm thế nào đảm bảo an toàn trước thách thức kép từ thiên tai và dịch bệnh? - Ảnh 2.

Không tụ tập đông người là một trong những tiêu chí hàng đầu để đảm bảo an toàn cho người dân trước đại dịch COVID-19, nhưng trong một số trường hợp thiên tai lại rất cần sơ tán người dân đến tập trung ở những nơi kiên cố.

Bão, lũ quét, sạt lở đất hay lũ lụt là những thiên tai điển hình từ nay đến cuối năm. Đây cũng là các loại hình thiên tai đáng lo ngại nhất trong điều kiện đại dịch hiện nay vì chúng đều liên quan đến câu chuyện phải sơ tán dân. Nhất là trong bão, số lượng người sơ tán có thể đến hàng trăm nghìn người. Những khu vực lâu nay chúng ta vẫn sơ tán có lẽ sẽ không đủ nếu muốn đảm bảo khoảng cách an toàn chống dịch.

Không chỉ giảm số lượng người tại các khu sơ tán mà các điều kiện đảm bảo an toàn chống dịch cũng phải được trang bị như phun khử khuẩn, thuốc sát trùng. Từng người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống dịch trong các khu sơ tán cũng là cách giữ an toàn rất quan trọng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước