Thôn Cao và những nét riêng trong nghề làm hương
Làng hương Thôn Cao cách Hà Nội khoảng 40km, thuộc địa phận xã Bảo Khê, Thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), nằm sát ngay đê tả ngạn Sông Hồng. Hương Thôn Cao nổi tiếng mang mùi hương nhẹ thanh, mùi thơm lưu giữ lâu mà hiếm có hương ở nơi nào có được.
Sản phẩm hương thôn Cao được người dân phơi trên khắp sân vườn
Theo tương truyền, vào thế kỷ XVIII, bà Đào Thị Khương đi buôn bán và học được nghề làm hương, khi trở về đã truyền dạy lại cho người dân trong làng. Vì vậy, ngày 22/8 âm lịch hằng năm, được coi là ngày giỗ tổ của làng, cũng như là ngày tưởng nhớ công ơn lớn lao của bà Đào Thị Khương.
Hiện nay, thôn Cao có khoảng gần 200 hộ gia đình còn giữ được nghề làm hương truyền thống, dù quy mô, mẫu mã hương có khác nhau. Nghề làm hương như đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Thôn Cao. Sự truyền bá nghề qua từng thế hệ chính là minh chứng cho sự phát triển và trường tồn của hương Thôn Cao.
Những ngày cuối xuân, đi dọc từ làng trên xóm dưới, khắp nơi trên mảnh đất Thôn Cao đều phảng phất mùi hương của thuốc bắc và thảo mộc. Trên khắp sân vườn của từng hộ gia đình phơi hương tràn ngập những sắc đỏ vàng của cây hương. Mỗi cây hương đều được các nhân công chăm chút, tỉ mỉ chế tác. Cấu tạo chính của cây hương gồm 3 phần: tăm hương - được làm từ thân cây tre được tách nhỏ, bột hương - bao gồm hỗn hợp của bột gỗ được nghiền từ nhiều cây: trầm hương, quế chi, hương bài, thảo dược…, và keo kết dính que và bột hương - thường được sử dụng bởi keo tràm và keo bời lời.
Ngoài ra, Thôn Cao còn sản xuất thêm các loại hương khác như hương vòng, hương nén, hương sào… Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, hương Thôn Cao vẫn luôn được đánh giá là một trong những sản phẩm tâm linh quý giá mà không có nơi nào sánh được.
Anh Mai Văn Trọng - chủ của một cơ sở sản xuất hương chia sẻ: "Mỗi gia đình đều có một bài thuốc chế biến hương riêng, đó là bí quyết gia truyền nên nhân công sản xuất đa phần là người trong nhà, trong dòng họ. Vì vậy trong thời buổi dịch bệnh thế này, người trong nhà vẫn tiếp xúc và sản xuất hương cùng nhau, là rất phù hợp". Có lẽ vì được tiếp xúc thường xuyên với các loại thảo mộc, nên làn da của người dân nơi đây lúc nào cũng tươi tắn, hồng hào.
Anh Mai Văn Trọng chia sẻ, mỗi gia đình đều có một bài thuốc chế biến hương riêng
Thời gian vừa qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng rất nhiều đến mọi mặt của cuộc sống. Các lễ hội, chùa chiền và nhiều sự kiện tín ngưỡng khác phải khép lại, cùng với đó là việc sản xuất hương ở Thôn Cao ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng. Nhưng những nhân công tại các hộ sản xuất hương nơi đây vẫn tất bật, hối hả cho ra đời các sản phẩm hương chất lượng, luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu sử dụng hương ở bất cứ nơi đâu.
Làm hương - nghề của cha ông thay đổi cuộc sống nhiều gia đình
Cơ sở sản xuất hương của gia đình chị Trần Thị Tươi - là một trong những cơ sở lớn nhất, nhì thôn Cao đã bao đời tiếp nối nghề làm hương của cha ông. Chia sẻ về đời sống cũng như thu nhập của gia đình, chị Tươi nói: "Nghề làm hương đã làm thay đổi cuộc sống rất nhiều gia đình tôi. Doanh thu tùy theo từng tháng, nhưng ngày Tết ngày Lễ thì bán được nhiều. Có tháng bán được gần trăm triệu… Hiện nay, COVID-19 đã khiến nhiều chùa chiền, lễ hội buộc phải dừng hoạt động, doanh số bán hương cũng ít hơn. Nhưng làm hương với quy mô hộ gia đình cũng hạn chế tiếp xúc, vẫn tiếp tục sản xuất hương xạ và có một nguồn thu nhập đáng kể".
Chị Tươi chia sẻ thêm, vì tính chất công việc khá bụi bặm nên đa số các nhân công phải sử dụng khẩu trang và găng tay trong suốt quá trình sản xuất, nên việc đảm bảo phòng chống dịch bệnh luôn được đảm bảo và ưu tiên hàng đầu.
Công đoạn chẻ tre làm tăm hương
Mặc dù những bài thuốc chế tác, mẫu mã sản xuất ở những hộ gia đình là khác nhau, tuy nhiên trong mỗi thành phẩm được sản xuất. người dân thôn Cao luôn hướng về sự sáng tạo và phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Các hộ sản xuất nhạy bén áp dụng các máy móc hiện đại để đẩy mạnh tiến độ sản xuất hương, nhằm tăng năng suất lao động và sản phẩm đến với người tiêu dùng chất lượng hơn. Bên cạnh đó, việc lưu truyền và tiếp nối nghề làm hương truyền thống vẫn luôn được các hộ sản xuất đặt lên hàng đầu. Nơi đây như "cái nôi" lưu truyền nét đẹp tín ngưỡng của người Việt.
Sau khi hương "đủ nắng", người dân tiếp tục buộc hương thành từng bó
Thôn Cao trở thành làng nghề sản xuất hương lớn nhất miền Bắc, các sản phẩm hương được sản xuất nơi đây đã được xuất khẩu sang nhiều nơi: Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc… Nhiều người dân thôn Cao đã và đang mang nghề truyền thống của làng mình đến khắp các vùng để truyền bá và phát triển.
Ông Nguyễn Như Khanh - Phó Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống Thôn Cao chia sẻ đầy tự hào: "Làm cái nghề hương này dù vất vả nhọc nhằn, bụi bặm, nhưng đã tồn tại nhiều đời. Nhiều người có thể đi xa làm nhiều ngành nghề khác, rồi có ngày trở về quê để làm nghề. Mỗi người Thôn Cao đều ý thức đó là nghề của cha ông, nên họ rất nhiệt huyết. Dù già hay trẻ đều làm được cả, nhiều cháu nghỉ học vì dịch bệnh cũng giúp bố mẹ, đây là một nghề tự do mà vẫn có thu nhập. Cơ sở thấp nhất cũng được 20 triệu một tháng, nhiều thì cả trăm triệu".
Mỗi người dân Thôn Cao luôn có chung một tâm niệm: Làm hương là nghề của tiên tổ và nghề ấy còn liên quan tới tín ngưỡng, tâm linh thì không được làm cẩu thả và phải đưa cái tâm của mình vào từng sản phẩm.
Trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều tình trạng hương làm giả, làm nhái, gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhận thức được điều đó, người dân Thôn Cao luôn đưa cái tâm của mình vào từng sản phẩm nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt nhất có thể. Chính vì vậy, hương Thôn Cao trở thành một thương hiệu uy tín, chất lượng phục vụ tâm linh tín ngưỡng, và trở thành thương hiệu lưu giữ nét đẹp tín ngưỡng người Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!