Trên 80% rác thải được xử lý theo phương thức chôn lấp tại Việt Nam. Chôn lấp là phương pháp xử lý rác thải đơn giản nhưng tốn kém và gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chưa kể không khí, nguồn nước ngầm có thể bị ô nhiễm trong quá trình rác phân hủy nếu không được xử lý tốt. Ví dụ, Khu xử lý chất thải Nam Sơn mặc dù có nhà máy xử lý nước rác, được các chuyên gia đánh giá đạt Quy chuẩn Việt Nam song cũng không thể giải quyết triệt để những tác động tiêu cực tới môi trường.
Tổng lượng rác thải hàng năm đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua và dự báo sẽ tăng từ 27 triệu tấn năm 2018 lên 54 triệu tấn vào năm 2030. Hàng chục ngàn tấn rác thải ra môi trường mỗi ngày đang bị coi là thứ bỏ đi nhưng ít tai biết rằng rác chính là tiền. Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC và Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD/năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Với chất thải hữu cơ, ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD/năm khi gần 70% để lãng phí không được tái chế.
Cả nước hiện nay có 2 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện đã đi vào hoạt động ở Cần Thơ và Hà Nội. Riêng Cần Thơ tỷ lệ xử lý được khoảng 80%, còn lại vẫn phải mang đi chôn lấp. Hà Nội mới triển khai được hơn 4 tháng, đánh giá hiệu quả như thế nào vẫn còn cần thời gian. Còn trước mắt, việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa được coi trọng.
Hà Nội đã có những dự án đầu tư công nghệ đốt rác phát điện phục vụ xã hội; cũng có những chủ trương tái sinh rác là phế liệu xây dựng; chủ trương xây dựng kinh tế xanh, tuần hoàn… nhưng việc triển khai những dự án này còn quá chậm. Nếu vẫn giữ mãi phương thức chôn lấp, không sớm thiết lập vòng kinh tế tuần hoàn và áp dụng công nghệ hiện đại thì cả Thủ đô sẽ bị bao vây bởi rác và nước rỉ rác.
Với số dân hơn 98 triệu người, mỗi năm lượng rác thải ra trung bình gần 35.000 tấn chất thải sinh hoạt đô thị; 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000-8.000 tấn rác thải.
Tổng cục Môi trường cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây không chỉ là gánh nặng về môi trường mà còn đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!