Hệ thống cửa khẩu phát triển hàng đầu Việt Nam
Theo Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, Lạng Sơn sẽ phát triển dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là lợi thế vị trí cửa ngõ quốc tế kết nối với thị trường Trung Quốc. Trong đó tập trung phát triển và đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là kinh tế cửa khẩu.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030 xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, giữ vững quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong những cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là "cầu nối" ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Bản đồ vị trí và vai trò của Lạng Sơn trong vùng kinh tế phía Bắc.
Đến năm 2050, Lạng Sơn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định thương hiệu quốc gia của nông sản Việt Nam và là cầu nối góp phần đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đến với khu vực và thế giới.
Với những mục tiêu rõ ràng, tỉnh Lạng Sơn đã đề ra phương hướng phát triển kinh tế cửa khẩu và Khu kinh tế cửa khẩu. Tỉnh xác định tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất của cả nước, triển khai thực hiện mô hình cửa khẩu thông minh, là điểm trung chuyển trên bộ quan trọng trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước Đông Nam Á. Lạng Sơn đặt mục tiêu trở thành Thành phố biên giới xanh với "khu đô thị cửa khẩu" thông qua việc mở rộng các dịch vụ cung cấp cho hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và chế xuất, thương mại nông sản nói riêng.
Tỉnh cũng khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ qua biên giới gắn với kinh tế cửa khẩu. Gắn kết các hoạt động du lịch của Khu kinh tế cửa khẩu với tổng thể du lịch của tỉnh. Hình thành và phát triển các kho bãi có sức chứa lớn, đa dạng về công năng tùy theo đặc tính thương phẩm và quy trình lưu thông của hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Hữu Nghị, Đồng Đăng, Tân Thanh, Chi Ma và Bình Nghi. Hình thành khu dịch vụ trạm nghỉ để phục vụ các lái xe tải đường dài từ các tỉnh phía Nam và các nước ASEAN đến Lạng Sơn.
Bản đồ hệ thống 12 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
Lạng Sơn cũng chú trọng phát triển tổng cộng 12 cửa khẩu, trong đó tập trung phát triển tốt 5 cửa khẩu, đó là: Cửa khẩu Hữu Nghị: Phát triển trở thành cửa khẩu kiểu mẫu ứng dụng công nghệ cao, cửa khẩu thông minh, là "mô hình điển hình" cho vận tải đường bộ của Việt Nam; Cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng: Cung cấp các dịch vụ logistics và dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại tương xứng với sự phát triển của dịch vụ đường sắt các nước ASEAN; Cửa khẩu Chi Ma: Hoàn thành trình tự thủ tục theo quy định báo cáo đề xuất Chính phủ quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) – Ái Điểm (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế và phát triển kho bãi và dịch vụ logistics cho thương mại điện tử; Cửa khẩu Bình Nghi: Hoàn thành trình tự thủ tục theo quy định để báo cáo đề xuất Chính phủ quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu Bình Nghi (Việt Nam) - Bình Nhi Quan (Trung Quốc) thành cửa khẩu song phương và nghiên cứu đề xuất mở lối thông quan/ đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu đảm bảo phù hợp với quy hoạch và đồng bộ với phía Trung Quốc; Cửa khẩu Tân Thanh: Phát triển theo hướng trở thành trung tâm chế xuất nông sản và tiêu thụ hàng nông sản cho Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua sàn giao dịch nông sản.
Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn sẽ phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng thành khu kinh tế tổng hợp, kết hợp phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác. Theo đó, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện các khu chức năng theo các đồ án quy hoạch được duyệt bao gồm: khu phi thuế quan, khu trung chuyển hàng hoá, khu chế xuất; khu vực cửa khẩu, các trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại, logistics và các khu chức năng khác theo quy hoạch. Rà soát quá trình đầu tư, xây dựng các khu chức năng trên địa bàn khu kinh tế để có những điều chỉnh, cập nhật kịp thời, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cũng như các định hướng phát triển mới của quốc gia và vùng. Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy mô, ranh giới và các khu chức năng của khu Kinh tế cửa khẩu phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển không gian của tỉnh trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó là tạo động lực quan trọng cho quá trình đô thị hóa, gắn phát triển khu kinh tế với thành phố Lạng Sơn mở rộng để sớm hình thành một cực tăng trưởng mới của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Cửa ngõ thương mại với Trung Quốc và Đông Nam Á
Dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu. Để thực hiện quy hoạch tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn, trong đó cần phát huy được tính kết nối về giao thông, về kinh tế giữa Lạng Sơn với các tỉnh trong vùng, với cả nước, giữa Việt Nam với ASEAN và với Trung Quốc.
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu trước hết khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, nhất là đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn kết nối với Trung Quốc và xây dựng cửa khẩu thông minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này sẽ là cầu nối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh, nhằm tạo ra hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế hơn nữa để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Kiểm tra thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án nâng cấp Quốc lộ 4B trong việc kết nối giao thông, kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Lạng Sơn - Cao Bằng - Quảng Ninh, kết nối vùng, kết nối giữa 6 cửa khẩu quốc tế với các cảng biển.
Thăm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - một trong những cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) và Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) đối với kết nối tình hữu nghị, kết nối giao thông, kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây.
Thủ tướng thăm cột mốc biên giới tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị
Thủ tướng đề nghị các cơ quan, các lực lượng tại cửa khẩu trên cơ sở chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, chủ động thực hiện và hoàn thành xuất sắc các công việc được giao, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, cụ thể hóa, triển khai "Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược" giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đồng thời giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền Tổ quốc.
Với những kế hoạch, dự án để phát triển kinh tế cửa khẩu, Lạng Sơn được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương có hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt phát triển hàng đầu Việt Nam, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước ASEAN và các nước trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!