Cùng với đó là nhiều công trình hạ tầng lớn như sân vận động, kho tàng, bến bãi, cầu cảng, thậm chí đất sân bay cũng đang bị bỏ hoang hay quản lý, sử dụng sai mục đích gây lãng phí. Thực tế này cho thấy, cần có sự điều tra, đánh giá tổng thể thực trạng bỏ hoang, lãng phí, tiêu cực để có chính sách quản lý hiệu quả đất công và tài sản của Nhà nước.
Thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, tỉnh Hải Dương đã sáp nhập 55 xã xuống còn 25 xã nên dư thừa 30 trụ sở.
Trong đó, 2 trụ sở dư thừa của xã Tân Quang, huyện Ninh Giang lên kế hoạch chuyển đổi làm trạm y tế và trường học. Nhưng các trụ sở này hiện bị bỏ hoang vì không có kinh phí cải tạo và việc xin vốn sẽ mất nhiều thời gian theo quy định của Luật Đầu tư công.
Theo số liệu của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" của Quốc hội, đã có trên 12.600 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực này với trên 78.000 dự án phải hủy bỏ do sai phạm, thiếu phù hợp với thực tế.
Cả nước hiện có gần 447.000 nhà đất công với giá trị 1,5 triệu tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn và rất cần được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả nhằm tránh nhưng tiêu cực phát sinh dẫn đến sự thất thoát tài sản của Nhà nước và nguy cơ mất cán bộ như thời gian qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!