Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ký Quyết định số 1733/QĐ-BHXH về việc thành lập Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp luật trong lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh làm Tổ trưởng Tổ công tác.
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chỉ đạo, rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các Luật, Nghị định, Quyết định, Thông tư liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là các quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật Thanh tra, đảm bảo đồng bộ, khả thi, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương.
Đồng thời báo cáo Tổng Giám đốc việc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền phương hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tổ Công tác làm nhiệm vụ theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên và người đứng đầu; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm về công việc được phân công theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Thời gian qua, ngành BHXH đã tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, đạt được nhiều mục tiêu đề ra; độ bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, trong đó đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, BHYT cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân. Việc quản lý Quỹ BHXH bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, đổi mới phương thức, cách thức thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của BHXH Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, thách thức. Cụ thể, khuôn khổ pháp lý hiện hành còn có vướng mắc cần phải được rà soát, hoàn thiện, nhất là một số quy định tại các luật liên quan (BHXH, BHYT, Việc làm, Thanh tra…).
Tác động của dịch bệnh COVID-19 gây nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm và một số chỉ tiêu về độ bao phủ; tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH có xu hướng tăng. Trong khi đó, việc giải quyết chế độ đối với người lao động trong trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH mà giải thể, phá sản hoặc chủ là người nước ngoài bỏ trốn còn nhiều vướng mắc. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT vẫn còn xảy ra. Một số nơi nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa đầy đủ, ý thức chấp hành chính sách pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao.
Việc lập Tổ công tác để rà soát các vướng mắc pháp luật sẽ góp phần giúp tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!