Dọc tuyến phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội - địa điểm kinh doanh các thiết bị, vật tư y tế, bày bán tràn ngập bình oxy với đủ các mức giá dao động từ 1 triệu - 3 triệu đồng tùy vào dung tích của bình.
- Đây bình mới tinh đây, lấy về để cho khách đây. Mua cả thêm cái đồng hồ nữa. Phải mua cái đồng hồ nữa thì mình xoáy lắp vào chỗ này thì mới cho oxy ra mồm mình chứ.
- Bao tiền một cái vậy cô?
- Cái này 1,3 triệu.
- Có nhiều người mua không cô?
- Người ta không bị người ta cũng để. Người ta mua người ta để đấy.
- Sao lại vậy?
- Không may dịch nó về thì không thở được thì nhà người ta có sẵn cứ thế thở
Dù chẳng có bệnh nhưng một số người vẫn có tâm lý mua bình oxy để dự phòng. "Có cầu thì ắt có cung" nên dễ hiểu vì sao các tiểu thương tự đẩy giá mặt hàng này lên cao trong thời gian gần đây.
"Bây giờ cháy hàng, vận chuyển hết vào miền Nam rồi nên nhập khẩu về đắt. 1,2 còn rẻ, người ta còn bán 1,5 triệu", một tiểu thương cho biết.
Theo các chuyên gia, máy tạo oxy có thể dùng tại nhà cho những người mắc các bệnh suy hô hấp mạn tính chứ không phải COVID-19. Nếu tự mua bình oxy tích trữ phòng lúc khó thở do COVID-19 là rất nguy hiểm.
Theo dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần này, có khoảng 80% các bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ có khoảng 5% số ca cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập. Vì vậy, theo các chuyên gia, người dân không nên đổ xô đi mua bình oxy để tích trữ.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, để đảm bảo lượng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân nói chung và bệnh nhân COVID-19 nói riêng, các đơn vị sản xuất khí oxy y tế đang nâng cao công suất. Do đó, người dân không nên hoang mang lo lắng, mua bình oxy dự phòng tại nhà gây hậu quả khôn lường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!