Luật Đường bộ tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng đường cao tốc

Lô Dũng, Đình Hưng-Chủ nhật, ngày 07/07/2024 12:18 GMT+7

VTV.vn - Luật Đường bộ mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1 năm sau, có nhiều quy định mới về đường cao tốc.

Những quy định này được kỳ vọng sẽ đem lại cơ chế chính sách đột phá, tháo gỡ các vướng mắc trong việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng đường cao tốc. Đây vừa là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc, đồng thời đảm bảo an toàn và thuận lợi trong vận hành khai thác các tuyến đường cao tốc.

Theo quy định của Luật Đường bộ, đường cao tốc là công trình có cấp kỹ thuật cao nhất trong đường bộ. Đường phải có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; có hàng rào bảo vệ, trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình. Cùng với đó, Luật cũng cho phép thu phí đối với các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý khai thác.

Cùng với tạo hành lang pháp lý tháo gỡ vướng mắc trong huy động nguồn lực đầu tư, Luật Đường bộ cũng đưa ra quy định đường cao tốc phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch và đồng bộ các công trình như trạm dừng nghỉ, hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh, cân tải trọng tự động.

Với những quy chuẩn, tiêu chuẩn được đưa ra khi Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, sẽ không còn những tuyến cao tốc được xây dựng chỉ với hai làn xe như trước. Điều đó cũng có nghĩa sẽ không còn tình trạng phải thực hiện phân luồng hạn chế phương tiện lưu thông trên cao tốc do quá tải lưu lượng, gây nguy cơ mất an toàn như đã từng diễn ra trên đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước