Lưu giữ ký ức Tết xưa

Nguyễn Ngân (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 12/02/2021 16:17 GMT+7

VTV.vn - Dù ăn Tết hay là chơi Tết, đây vẫn là dịp đoàn viên. Đến nay, nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn giữ được nét văn hóa này và lưu truyền lại qua bao thế hệ.

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" là những đặc trưng không thể thiếu của những ngày Tết xưa.

Ngày nay, nhiều gia đình giờ không quá mất thời gian vào sắm sửa và ăn Tết, mà chuyển sang chơi Tết, nghĩa là tận dụng quãng thời gian nghỉ Tết để nghỉ ngơi, du lịch cùng gia đình, nếu như không có dịch bệnh. Tuy nhiên, dẫu có nhiều đổi thay, nhưng ngày nay, rất nhiều những giá trị truyền thống của ngày Tết, vẫn còn nguyên giá trị.

Lưu giữ ký ức Tết xưa - Ảnh 1.

Chợ Đồng Xuân những ngày Tết đến. Ảnh: TTXVN

Trong một con ngõ nhỏ ở Hà Nội, những gia đình sống quây quần ở đây nhiều thế hệ. Bà Nhung, tác giả của cuốn sách Hương vị Hà thành là 1 người phụ nữ Hà Nội. Những ngày Tết, con cháu về, ngôi nhà có nhiều âm thanh của sự rộn ràng cuối năm khác với sự yên tĩnh ngày thường. Bà giữ những nét Tết rất Hà Nội trong căn nhà mình.

Lưu giữ ký ức Tết xưa - Ảnh 2.

Mâm cỗ Tết nhà bà Nhung.

Đó là một bình hoa nhiều màu sắc cho thú chơi hoa ngày Tết, những quả bưởi bày cẩn thận cho thơm nhà, những món ăn Tết truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Tết. Bà bảo, người Hà Nội khi ra ngoài không nhận mình là người Hà Nội mà để mọi người nhận ra qua từng lời ăn, tiếng nói, cử chỉ.

Lưu giữ ký ức Tết xưa - Ảnh 3.

Đi chợ hoa ngày Tết. Ảnh: TTXVN

Lưu giữ ký ức Tết xưa - Ảnh 4.

Viết câu đối, thơ và khẩu hiệu trong dịp Tết Nguyên đán là một nét văn hoá của người Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Bà kể, Hà Nội xưa êm đềm thanh vắng, đi trên đường phấp phới tà áo dài, đáng yêu, thanh vắng lắm. Mong muốn của bà là con gắn bó với gia đình, giữ được cái truyền thống cổ truyền người Hà Nội, từ phong cách, cách ứng xử trong gia đình, đối xử với 2 bên nội ngoại.

Còn với gia đình bà Xuân, ngôi nhà 4 thế hệ chung sống với con, cháu, chắt là 57 người. Từ ngày bà Xuân về làm dâu gia đình đến nay đã 70 năm, mùng 1 Tết nào, con cháu cũng về bên ông bà.

Lưu giữ ký ức Tết xưa - Ảnh 5.

Căn nhà với 4 thế hệ chung sống của gia đình bà Xuân.

Gia đình có lệ mừng tuổi đầu năm cho các cháu bằng sách vở, mong con cháu chăm chỉ học hành. Còn các cháu có dịp khoe tài năng và sự khéo léo từ làm mứt Tết đến viết chữ thư pháp.

Tết được vẽ bằng màu lá xanh non, màu trắng hạt nếp lẫn hương thơm của đậu xanh, thịt mỡ, dưa hành, là màu xám khói nhang lẫn hương trầm, là hương áo mới ngày mùng 1, là màu đỏ của bao lì xì để rồi "hương gây mùi nhớ", màu gợi ký ức mà hoài niệm Tết xưa…

Không gian Tết xưa cứ theo đó mà được lưu giữ, được sống dậy, để cùng đất trời đón môt năm mới, tràn đầy hi vọng và lạc quan phía trước, an nhiên, biết đủ, biết sẻ chia để bao dung trọn hết cõi lòng, để những người con khi đi xa Hà Nội sẽ nhớ về những ngày Tết như vậy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước