Mỗi mùa Vu Lan về nhắc nhở những người con hiếu đạo trước công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Bên cạnh đó, mâm lễ cúng tổ tiên cũng cần phải chuẩn bị chu đáo.
Cũng là oản, xôi, bánh trôi..., những món đồ chay, nhưng được bày biện theo cách mới lạ, đẹp mắt và sáng tạo. Tại Hà Nội, những mâm lễ chay như thế này thu hút người dân dịp Rằm tháng 7.
"Mình thường lựa chọn các sản phẩm đặc trưng theo mùa. Xôi thể hiện sự trù phú, sung túc... và Đặc trưng của mùa thu Hà Nội là cốm, các sản phẩm từ cốm cũng được mình ưu tiên sử dụng. Mâm cỗ chay, lễ chay là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Nét đẹp này thể hiện sự thành kính với Phật và gia tiên", chị Lê Hà Phương, chủ cửa hàng An Đồ lễ - Đồ cúng, cho biết.
Thực phẩm chay được nhiều người ưa chuộng. (Ảnh: Báo Tin tức)
Là một Phật tử và đam mê những món ăn chay, cứ đến dịp Rằm tháng 7 hàng năm, bà Lương Thị Hiền (tỉnh Hà Nam) lại tự tay làm một mâm cỗ chay. Với bà, đây là cách thể hiện tình cảm với cha mẹ đã khuất.
"Cứ Rằm tháng 7 là gia đình chúng tôi lại sửa soạn mâm cơm chay tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những đấng sinh thành ra chúng tôi. Các món rất đơn giản như su su luộc, chả cốm…", bà Hiền chia sẻ.
Không chỉ là mâm cỗ lễ, những năm trở lại đây, việc ăn chay ngày Rằm, mồng 1 ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt vào dịp tháng 7 Âm lịch này.
Ăn chay dịp Rằm tháng 7 hay sắm sửa những mâm lễ chay để dâng lên tổ tiên đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt mỗi độ Tết Vu Lan. Bởi gửi gắm trong đó là tấm lòng thành kính, dâng lên tổ tiên và hướng tới những điều thiện lành trong cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!