Trong tháng 4 này, hầu khắp cả nước đều cần cảnh giác với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ở miền Nam, nguy cơ dông sét và tố lốc sẽ cao hơn vào nửa cuối tháng 4 sang đến đầu tháng 5, bởi đây là giai đoạn gió mùa Tây Nam bắt đầu hoạt động.
Ở miền Bắc, ngay tháng 3 vừa qua đã xuất hiện mưa đá ở Sơn La và Điện Biên. Tháng 4 và tháng 5 sẽ là cao điểm của hiện tượng này. Nguyên nhân do nền nhiệt ở miền Bắc tăng lên, không khí nóng ẩm gặp các đợt không khí lạnh cuối mùa xuống sẽ gây ra xáo trộn mạnh, rất dễ hình thành dông lốc sét và đặc biệt là mưa đá nguy hiểm.
Mức độ nguy hiểm của mưa đá phụ thuộc lớn vào kích thước của hạt đá rơi xuống. Theo thống kê trên thế giới, kích thước các hạt mưa đá có thể từ 0,5cm đến hơn 10 cm, tương ứng với hạt đậu và to dần bằng quả bóng.
Ở Việt Nam, hạt mưa đá lớn nhất từng ghi nhận vào tháng 3/2020 ở Lai Châu với kích thước bằng quả trứng gà. Kích thước hạt mưa đá càng to, tốc độ rơi càng lớn. Với hạt mưa đá có kích thước bằng quả trứng thì tốc độ có thể lên đến trên 100km/h, gấp đôi vận tốc đi xe máy bình thường.
Điều này lý giải tại sao mưa đá chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, vài phút nhưng có gây thiệt hại về người, tàn phá cây trồng và nhà cửa, nhất là những nhà mái ngói, mái tôn hay fibro xi măng yếu.
Dấu hiệu nhận biết mưa đá
- Mưa đá thường xuất hiện khi mây dông kéo đến rất mạnh, đen kịt bầu trời. Các lớp mây cuộn chồng lên cao, gió bắt đầu nổi lên.
- Cảm giác lạnh đột ngột bởi trong các đám mây dông này, các luồng khí sẽ di chuyển từ thấp lên cao mang theo hơi nước. Khi hơi nước lên cao tới ngưỡng đóng băng sẽ ngưng kết thành các hạt băng nhỏ. Theo dòng đối lưu này, các hạt băng sẽ liên tục được bổ sung hơi nước và lớn dần lên. Đến khi dòng khí không thể đẩy lên được nữa thì mới rơi xuống đất thành mưa đá.
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo: "Dông lốc sét mưa đá là hiện tượng quy mô nhỏ, rất khó dự báo hàng ngày và dài hạn. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, 30 phút đầu tiên của trận dông là nguy hiểm nhất, dễ xảy ra dông sét. Do đó, thời điểm đầu trận dông, mọi người cần tìm nơi tránh trú, nếu đi lại sẽ dễ bị các vật rơi từ trên cao xuống, nguy hiểm đến tính mạng".
Lưới che mưa đá cho vườn mận ở Mộc Châu
Hiện nay, một số địa phương đã phát triển một số cách để phòng chống mưa đá như tại Mộc Châu, Sơn La với mô hình lưới đem lại hiệu quả cao.
Nhà lưới chống mưa đá cho vườn mận của gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ảnh: Anh Đức (TTTTVH huyện Mộc Châu)
Từ đầu năm đến nay, Mộc Châu đã xuất hiện vài trận mưa đá nhưng 5 ha mận hậu của ông Dương ở tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông Trường Mộc Châu ít bị ảnh hưởng và đang chuẩn bị cho thu hoạch vào cuối tháng này.
Ông Dương là một trong 2 người đầu tiên ở Mộc Châu đưa ra ý tưởng và xây dựng mô hình lưới chống mưa đá cho vườn mận.
Mô hình này được triển khai cuối năm 2019, sau nhiều năm bị thiệt hại nặng do mưa đá, đặc biệt là năm 2018 gia đình ông mất đến 90% sản lượng mận. Sau 2 năm triển khai, hiệu quả của mô hình lưới chống mưa đá đã truyền đến rất nhiều hộ gia đình trồng mận ở Mộc Châu.
Với chi phí khá lớn, tốn nhiều công sức và thời gian mới xây dựng được hệ thống lưới này nhưng nhờ vậy mà mưa đá xuống mận ít bị rụng, quả mận phát triển đều và đẹp, bán được giá hơn.
Mô hình lưới che mưa đá cho vườn mận rõ ràng là đã đem lại những hiệu quả vô cùng thiết thực. Trong giai đoạn tháng 4,5 này là cao điểm xảy ra những hiện tượng, mưa đá, lốc, sét nên nếu mô hình này được triển khai và nhân rộng hơn nữa sẽ rất hiệu quả giúp người dân bảo vệ cây trồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!