Nhằm động viên, khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển, Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp cho đời sống của ngư dân ngày càng được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách của Nhà nước đã tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trong suốt hơn 13 năm qua, thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, số tàu cá của tỉnh ta chính thức tham gia hoạt động trên các vùng biển xa nhận được hỗ trợ theo chính sách đã tăng lên qua từng năm, cải thiện đời sống ngư dân, góp phần vào bức tranh chung khởi sắc của kinh tế biển Việt Nam.
Thế nhưng bên cạnh đa số đều đã thực hiện tốt nghĩa vụ trách nhiệm, thì vẫn có một bộ phận ngư dân đã lợi dụng chính sách hỗ trợ này để trục lợi bằng nhiều cách. Việc làm này đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác hỗ trợ, cũng như quản lý giám sát hoạt động đánh bắt cá trên biển.
Đi bốn, ba về trước, một còn lại "không nhớ"
Tại khu vực biển cách Đông Bắc Sơn Trà, Đà Nẵng khoảng 40-43 hải lý, khi lực lượng chức năng liên ngành bất ngờ kiểm tra tàu cá mang số hiệu Đna 90479 TS đang thả trôi, phát hiện trên tàu chỉ có duy nhất 1 thuyền trưởng mà không hề có bóng dáng của bất cứ thuyền viên nào khác.
Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tàu cá này không có dấu hiệu đang đánh bắt cá và cũng không đảm bảo quy định để được ra khơi. Chiêu trò ở đây là gì?
Xác nhận mình là thuyền trưởng, kiêm chủ của tàu cá nói trên, ông Mẫn cho biết mình đã cho tàu xuất bến từ ngày 1/4 cùng 3 thuyền viên khác. Nhưng khi được hỏi rằng tại sao trên tàu chỉ có một mình, ông Mẫn cho biết "tại vì anh em mâu thuẫn nên đã bỏ về". Mặc dù vậy, ông Mẫn cũng "không nhớ" các thuyền viên chịu sự quản lý của mình trở lại đất liền bằng phương tiện gì.
Thêm vào đó, dù khai rằng đi đánh cá, nhưng khoang tàu không hề có đá giữ nhiệt…. Cuối cùng, thuyền trưởng tàu cá nói trên cũng thừa nhận mình ra khơi không chỉ để đánh bắt cá.
Ông Mẫn cho biết, ngoài việc đánh cá, ông ra khơi để mong nhận tiền hỗ trợ của nhà nước từ "Quyết định 48"…
Theo quy định, chiếc tàu cá có công suất 720CV như của ông Mẫn, phải có ít nhất 4 thuyền viên trở lên mới được ra khơi, để đảm bảo an toàn tàu. Chính vì lẽ đó, nhằm qua mặt lực lượng chức năng, ông Mẫn đã "thuê" người ra khơi cho đạt quy định rồi bố trí phương tiện để những thuyền viên của mình trở lại đất liền, với mục đích chính – rõ ràng, không phải đánh cá mà để trục lợi từ chính sách nhân văn, nhân đạo của Nhà nước.
Chủ tàu cá vi phạm thừa nhận ra khơi "bám tàu" nhằm trục lợi từ chính sách của nhà nước.
Cũng với phương thức trục lợi như trên, tại khu vực biển cách Đông – Đông Bắc Sa Huỳnh, Quảng Ngãi khoảng 37 hải lý, tàu cá BĐ 97732 TS có công suất 710 CV do ông Trần Văn Quang (Bình Định) làm thuyền trưởng, cũng đang lênh đênh mà không có dấu hiệu đánh bắt cá. Lực lượng chức năng khi tiến hành kiểm tra, chỉ phát hiện 2 người trên tàu (gồm 1 thuyền viên và 1 thợ máy) – trong khi, danh sách đăng ký thuyền viên khi xuất bến là 4 người.
Thuyền trưởng Trần Văn Quang sau đó thừa nhận các thuyền viên đã về bờ bằng thuyền thúng sau khi tàu xuất bến.
Khi được hỏi rằng mục đích chính ra khơi là để nhận tiền hỗ trợ từ nhà nước, ông Quang cho biết: "Cũng là nhận tiền hỗ trợ, rồi mình đánh bắt được bao nhiêu thì có thêm bấy nhiêu".
Lực lượng chức năng xác định, tàu cá này đã vi phạm quy định về định biên thuyền viên tối thiểu (tức phải có ít nhất 4 thuyền viên) và được yêu cầu lập tức trở về bờ để phục vụ công tác điều tra. Đồng thời, Tổ tuần tra kiểm soát đã tiến hành tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá của ông Quang để tiếp tục điều tra giải quyết vụ việc.
….
Một mình, một thuyền, nhiều thiết bị giám sát hành trình
Cũng liên quan đến những mập mờ trong việc cho tàu vươn khơi đánh bắt, một chiêu thức trục lợi vừa được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý là việc 1 tàu "cõng" theo nhiều thiết bị giám sát hành trình (VMS).
Thiết bị giám sát hành trình là yêu cầu bắt buộc với tất cả các tàu cá ra khơi bám biển, tuy nhiên, chỉ cần một động tác tắt/bật, 1 tàu cá sẽ trở nên "vô hình" trong bản đồ radar của lực lượng chức năng theo dõi giám sát. Từ đó, tại những khu vực giáp ranh, có hiện tượng nhiều tàu cá gửi thiết bị giám sát hành trình sang một tàu, rồi "tàng hình" đi đánh bắt trái phép ở những vùng biển khác. Mục đích của việc này là nhằm qua mặt lực lượng chức năng hoặc cũng không loại trừ việc trục lợi từ các chính sách hỗ trợ ngư dân của nhà nước.
Hiện tượng một tàu cá "cõng" theo nhiều thiết bị giám sát hành trình đã bị lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm thời gian qua (Ảnh minh họa)
Chia sẻ về loại hình trục lợi này, Đại tá Trần Hồng Quế, Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết có ghi nhận tình trạng 1 tàu cá "cõng" theo nhiều thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá khác, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tuần tra, kiểm tra, theo dõi giám sát.
BTL Vùng CSB 2 tiếp tục có các phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cho ngư dân để nâng cao ý thức chấp hành, phối hợp để rà soát lại công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm, các tàu có gởi VMS sang các tàu khác, kiểm tra các tàu ở các tỉnh đã xóa biển số, kiểm tra định biên thuyền viên an toàn trên tàu.
Hiện công tác phối hợp giữa các địa phương, cùng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong việc kiểm tra gắt gao các phương tiện đánh bắt xa bờ đang được thực hiện nhằm ngăn chặn các dấu hiệu "bám tàu" để trục lợi từ ngân sách nhà nước, mang lại sự công bằng, đảm bảo quyền lợi cho những ngư dân đang thực sự ngày đêm vươn khơi bám biển.
Đảm bảo sự công bằng, quyền lợi chân chính cho những ngư dân ngày đêm bám biển
Theo Quyết định 48/2010 của Thủ tướng CP, mỗi tàu cá đi đánh bắt xa bờ được nhà nước hỗ trợ 4 chuyến biển/năm. Quyết định nêu rõ tàu cá từ 90 CV – 150 CV được hỗ trợ 22 triệu đồng/chuyến; Tàu cá từ 150CV - 250CV hỗ trợ 30 triệu đồng/chuyến; Tàu cá từ 250CV - 400CV hỗ trợ 55 triệu đồng/chuyến; Tàu cá từ 400 CV – 700 CV hỗ trợ 75 triệu đồng/chuyến; Tàu cá từ 700 CV trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến biển.
Ông là thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu ngoài khơi bỏ về, ông không thể nói là không biết gì được
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, huyện Đảo Lý Sơn cho biết, để nhận được nguồn hỗ trợ theo Quyết đinh 48, các chủ tàu cá buộc phải tuân thủ các quy định đánh bắt, như khai báo khi xuất bến, máy giám sát hành trình hoạt động liên tục, phải có tin nhắn gửi về cơ quan chức năng, khi về cũng phải thông qua nhiều khâu xét duyệt. Xét thấy hợp lệ, địa phương mới báo lên Sở Nông nghiệp. Sở Nông nghiệp họp hội đồng xét xong mới trình lên UBND tỉnh. UBND tỉnh mới ra quyết định cho Sở Tài chính chi khoản tiền đó.
Ông Nguyễn Quốc Chinh khẳng định cần phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch để mọi ngư dân lao động chân chính yên tâm, vươn khơi bám biển theo chủ trương của nhà nước.
Trở lại với các vụ việc tàu cá có dấu hiệu ra khơi để trục lợi, ông Chinh cho rằng thuyền trưởng nói "không biết gì hết" là một điều hết sức phi lý. Nhất là việc các chủ tàu hay thuyền trưởng nêu lý do thiếu người trong danh sách đăng ký xuất bến là do họ tự bỏ về hoặc xuống thuyền thúng trở về bờ sau khi xuất bến.
"Đây là một việc làm hết sức phi pháp, không công bằng với những ngư dân khác nghiêm túc ra khơi bám biển. Những thuyền viên trên tàu đều được đăng ký, những tàu cá đều có số hiệu, có hệ thống liên lạc thông tin với nhau, không bao giờ có chuyện thuyền trưởng được nói ‘không biết’ hay ‘không nhớ’" – ông Nguyễn Quốc Chinh chia sẻ - "Bởi, không có lực lượng biên phòng nào cho phép 1 thuyền trưởng ra khơi một mình cả. Chiêu trò ở đây là người đó làm thủ tục xuất bến cho thêm 3 người, điều khiển thuyền ra ngoài khơi rồi đưa thuyền thúng cho những người này trở lại bờ".
Liên quan đến phương thức đối phó với chiêu trò trục lợi, bên cạnh công tác tăng cường tuần tra, giám sát trên biển, lực lượng chức năng sẽ tích cực vận động tuyên truyền cho bà con về những quy định khai thác hải sản hợp pháp, chính đáng trên vùng lãnh hải của Việt Nam, tuân thủ các quy định về luật biển quốc tế.
"Hiện nay với các tàu mất tín hiệu VMS hoặc thậm chí là mất tín hiệu VMS dài ngày, lực lượng chức năng sẽ ghi vào biên bản, báo cáo hội đồng xét duyệt chính sách từ Quyết định 48, tuyệt đối không trợ cấp cho những trường hợp này. Hiện nay chúng tôi đã tuyên truyền tới ngư dân ở những vùng đánh bắt xa bờ các quy định này. Ngư dân cũng cam kết sẽ chấp hành nghiêm quy định" – Trung tá Thái Nguyễn Văn Hà, Phó Tham mưu trưởng, kiêm Trưởng ban Tác huấn, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam chia sẻ.
Hiện công tác phối hợp giữa các địa phương, cùng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong việc kiểm tra gắt gao các phương tiện đánh bắt xa bờ đang được thực hiện nhằm ngăn chặn các dấu hiệu "bám tàu" để trục lợi từ ngân sách nhà nước, mang lại sự công bằng, đảm bảo quyền lợi cho những ngư dân đang thực sự ngày đêm vươn khơi bám biển.
Có thể nói, chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần nâng cao đáng kể năng lực sản xuất nghề cá ở nhiều địa phương trong những năm qua, đây cùng là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên với những biểu hiện tiêu cực trong một bộ phận ngư dân như đã nêu trên, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì không những làm mất đi tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ mà còn ảnh hưởng đến sự công bằng đối những ngư dân đang ngày đêm bám biển, để phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!