“Một tiếng kêu cứu của trẻ là trách nhiệm của tất cả chúng ta”

Thuỳ An-Thứ ba, ngày 14/06/2022 17:54 GMT+7

VTV.vn - Theo đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn), một trong những nguyên nhân cho tình trạng bạo hành trẻ em là do pháp luật còn thiếu hoàn thiện, chưa phù hợp.

Chiều 14/6, góp ý về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) đã nêu ra những thực tế và giải pháp cho tình trạng bạo hành trẻ em.

Theo bà Thuỷ, số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2021, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em hầu hết là do chính người thân gây ra. Con số này cũng trùng khớp với thống kê của Tổng đài Bảo vệ Quốc gia bảo vệ trẻ em. Theo đó trong tổng số các cuộc gọi liên quan đến bạo hành trẻ em thì do chính những người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 75%.

“Nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, bố - mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ”, đại biểu đoàn Bắc Kạn cho biết.

Đáng lên án là nhiều vụ bạo hành lại có sự dung túng tiếp tay bởi chính những người ruột thịt của các em. Nhiều em đã phải chịu những nỗi đau chằng chịt cả trên cơ thể và tâm hồn. Thương tâm nhiều em vì bạo hành mà đã mất đi cuộc sống.

“Một tiếng kêu cứu của trẻ là trách nhiệm của tất cả chúng ta” - Ảnh 1.

Chiều 14/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Cũng theo nữ đại biểu này, đặc điểm của bạo lực gia đình là xảy ra đằng sau cánh cửa mỗi gia đình nên rất khó phát hiện. Ngoài ra, nạn nhân bị bạo hành là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng. Dẫn đến thời gian qua có nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, bị bạo hành trong một thời gian dài, chỉ bị phát hiện khi các em được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy kịch.

“Có thể lấy ví dụ như vụ bé gái 8 tuổi tại TP Hồ Chí Minh được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong. Hay vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội được đưa đến viện trong tình trạng có 39 chiếc đinh găm vào đầu”, bà Thuỷ cho biết.

Đại biểu đoàn Bắc Kạn nhấn mạnh một trong những nguyên nhân quan trọng cho tình trạng bạo hành trẻ em là do pháp luật còn thiếu hoàn thiện, chưa phù hợp. Nhất là những quy định chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Nữ đại biểu này cũng cho rằng phòng chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật này vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trẻ em. Do đó cần tính toán sao cho phù hợp với nhiệm vụ của từng luật để có thêm công cụ hiệu quả bảo vệ trẻ em trong môi trường gia đình, tránh chồng lấn, mẫu thuẫn.

Về biện pháp hoà giải bạo lực gia đình, dự thảo luật quy định biện pháp hoà giải không chỉ được áp dụng với những tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình mà còn được áp dụng với các những vụ việc bạo lực gia đình. Tuy nhiên bà Thuỷ không đồng ý với việc cho hoà giải trong trường hợp bạo hành trẻ em vì đây là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. 

“Đối với trường hợp bạo hành trẻ em đến mức xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính cần phải áp dụng biện pháp tương xứng”, bà Thuỷ đề xuất.

Về biện pháp cấm tiếp xúc, dự thảo luật quy định Chủ tịch UBND xã có quyền ra lệnh áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong trường hợp bạo hành với người lớn. Còn trường hợp bạo hành với trẻ em áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo Luật trẻ em. 

Theo bà Thuỷ, qua rà soát Luật trẻ em, thấy rằng không có biện pháp cấm tiếp xúc. Trong luật chỉ có biện pháp tạm thời cách ly khỏi gia đình. Điều kiện để áp dụng thì Luật trẻ em quy định chỉ trong trường hợp trẻ bị bạo hành bởi chính cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Trong Luật trẻ em quy định rõ người chăm sóc trẻ bao gồm 3 trường hợp: Một là người giám hộ; Hai là người được giao chăm sóc thay thế; Ba là người được giao trách nhiệm phối hợp cùng cha mẹ chăm sóc trẻ”

“Đối chiếu với những trường hợp trẻ bị bạo hành trẻ thời gian qua do “chồng hờ, vợ hờ” của cha mẹ gây ra thì có thể thấy đây là khoảng trống của pháp luật cần được ra soát và bổ sung ngay trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình để bảo vệ trẻ em”, bà Thuỷ nhấn mạnh.

“Một tiếng kêu cứu của trẻ là trách nhiệm của tất cả chúng ta” - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nhấn mạnh một tiếng kêu cứu của trẻ là trách nhiệm của tất cả chúng ta

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh “một tiếng kêu cứu của trẻ em, dù bất cứ nơi đâu cũng đều thuộc trách nhiệm của tất cả chúng ta” và để việc vào cuộc không bao giờ muộn, trước hết pháp luật phải rõ ràng về trách nhiệm và đầy đủ các biện pháp khả thi và các biện pháp bảo vệ trẻ em cần được quy định mức độ cao hơn và sớm hơn. 

Đại biểu này kiến nghị 3 giải pháp: Thứ nhất là kiến nghị rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trong Luật trẻ em. Thứ hai, kiến nghị bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ ba, đại biểu Thuỷ kiến nghị đối với biện pháp cấm tiếp xúc, đề nghị áp dụng cả đối với trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ Chủ tịch UBND xã, cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình.

Hoàn thiện các quy định về cơ chế, cách thức xử lý phù hợp với từng loại hành vi bạo lực gia đình

Đóng góp thêm ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Cao Mạnh Linh (đoàn Thanh Hóa) cho biết dự thảo Luật quy định các hành vi bạo lực có thể chia thành 4 nhóm: Một là, hành vi bạo lực về thể chất. Hai là, hành vi bạo lực về tinh thần. Ba là, hành vi bạo lực về kinh tế. Bốn là, hành vi bạo lực tình dục.

Đại biểu Cao Mạnh Linh cho rằng, các nhóm hành vi bạo lực này có tính chất phương thức thực hiện, mức độ nhận diện hậu quả xảy ra rất khác nhau. Nên về nguyên tắc để phòng chống có hiệu quả, bảo đảm tính răn đe thì cần phải có cách thức xử lý, áp dụng các biện pháp phù hợp với từng nhóm hành vi cũng như mức độ nghiêm trọng của từng hành vi. Đại biểu Cao Mạnh Linh chỉ rõ, về cơ chế xử lý xác minh, tin báo tố giác về bạo lực gia đình chưa thực sự phù hợp với tất cả các hành vi.

“Một tiếng kêu cứu của trẻ là trách nhiệm của tất cả chúng ta” - Ảnh 3.

Đại biểu Cao Mạnh Linh cho rằng cần hoàn thiện các quy định về cơ chế, cách thức xử lý phù hợp với từng loại hành vi bạo lực gia đình

Theo đại biểu sẽ hiệu quả hơn nếu dùng thiết chế gia đình, xã hội để tham gia tư vấn giáo dục can thiệp bước đầu với số hành vi bạo lực mới được nhận diện về hình thức, hành vi mà không gắn với hậu quả cụ thể. Đồng thời các biện pháp xử lý cơ bản chưa được cụ thể hóa về căn cứ, điều kiện áp dụng sẽ rất khó khăn trong việc xử lý.

Mặt khác, đa số các biện pháp xử lý cơ bản chỉ phù hợp với việc phòng chống các hành vi bạo lực về thể chất chưa thật phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực về kinh tế, tinh thần như biện pháp cấm tiếp xúc, bố trí nơi tạm lánh, chăm sóc người bị bạo lực. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện thêm quy định về các hành vi bạo lực về cơ chế, cách thức xử lý và các biện pháp xử lý cụ thể cho phù hợp với từng loại hành vi mức độ của hành vi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước