Mua bán dữ liệu cá nhân dễ như mua… rau: Từ cuộc gọi lạ đến đe dọa, uy hiếp

Nhóm PV Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 03/06/2021 12:10 GMT+7

VTV.vn - Thông tin cá nhân của nhiều người đang bị đưa ra mua bán như một mặt hàng và ngày càng có dấu hiệu gia tăng.

"Full data 63 tỉnh thành, mới nhất, chính xác nhất"

"Giá rẻ nhất. Cơ hội vàng để thành công mùa COVID"

Đó là những lời chào bán các tệp dữ liệu cá nhân mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể tiếp cận nếu có nhu cầu. Chuyện đã quá quen thuộc ở Việt Nam và có khi nhiều người cũng chẳng còn quan trọng nếu thông tin cá nhân của mình bị lợi dụng trở thành một món hàng. Chỉ biết bực mình nhưng cũng tặc lưỡi mỗi khi có những cuộc điện thoại lạ gọi đến, tiếp thị hay làm phiền. Nhưng việc mất thông tin cá nhân thực tế đã nguy hiểm hơn trước vì nó có thể trở thành "vũ khí" cho kẻ xấu uy hiếp.

Bị đe dọa, uy hiếp khi mất dữ liệu cá nhân

Mặc dù đã thực hiện hai lớp bảo mật nhưng tài khoản Facebook của một nạn nhân ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, đã bị đối tượng xấu chiếm đoạt, sau đó là liên tiếp nhận được những cuộc điện thoại đe dọa, bị gắn ghép hình ảnh xuyên tạc, gây sức ép phải chuyển tiền

Anh Vũ Nhật Linh cho biết: "Các đối tượng vẫn liên tục gọi điện, không lấy được số điện thoại hay thông tin của tôi thì quay ra uy hiếp những người bạn của tôi".

Tương tự, một nạn nhân cũng mất gần 2 tỷ đồng khi nghe theo kịch bản mà các đối tượng đã tạo dựng, về liên quan đến một vụ án chiếm đoạt tiền của các ngân hàng. Điều đáng nói trong vụ việc này, mặc dù nạn nhân đã nhiều lần từ chối cuộc gọi và nói không có tiền nhưng các đối tượng dường như biết rất rõ lịch trình làm việc gần đây của nạn nhân, đồng thời cũng biết chính xác số tiền gần 2 tỷ đồng mà nạn nhân đang gửi tiết kiệm. Điều này cho thấy thông tin của nạn nhân đã bị rò rỉ ra và ngoài các đối tượng đã nắm được.

Mua bán dữ liệu cá nhân dễ như mua… rau: Từ cuộc gọi lạ đến đe dọa, uy hiếp - Ảnh 1.

Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: "Các đối tượng lấy dữ liệu cá nhân, giả danh cơ quan thực thi pháp luật, giả danh ngân hàng, giả danh những người có liên quan cơ quan nhà nước. Sau đó, đánh cắp thông tin mật khẩu ngân hàng, số tài khoản và thực hiện các hành vi lừa đảo".

Đại diện Bộ Công an cho biết, nạn nhân của tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Ngoài tính bảo mật dữ liệu của mỗi người dân chưa cao. Thì một số tổ chức, doanh nghiệp, có hoạt động thu thập, quản lý dữ liệu cũng có hành vi mua bán trái phép

Cũng theo Bộ Công an trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây, lực lượng chức năng đã ghi nhận hàng ngàn vụ việc lừa đảo với tổng số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Mẫu chốt bắt nguồn từ việc thông tin cá nhân của nạn nhân đã không được bảo mật, bị rò rỉ ra ngoài.

Điều tra nhiều đường dây mua bán dữ liệu cá nhân trái phép

Khoảng 3 năm trở lại đây, cơ quan công an đã ghi nhận hàng trăm vụ việc liên quan đến mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Xôn xao nhất là vụ việc hàng nghìn ảnh chứng minh thư nhân dân của người Việt mới đây bị rao bán trái phép trên mạng với giá 9.000 USD. Gần nhất, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phát hiện một đường dây mua bán trái phép, hàng tỷ thông tin cá nhân.

Tại hiện trường, gần 1.300GB dữ liệu chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc cùng với các chứng cứ phục vụ mua bán đã bị phát hiện và thu giữ. Dưới vỏ bọc là Công ty Giải pháp năng lượng VNIT TECH, các đối tượng đã thực hiện mua bán trót lọt nhiều dữ liệu trong các lĩnh vực trong đời sống - xã hội như khách hàng điện lực, phụ huynh, học sinh, dữ liệu viễn thông, bảo hiểm, hộ khẩu; bất động sản đến các tài khoản ngân hàng và các số dư….Cơ quan điều tra đang làm rõ việc có hay không việc tiếp tay, cung cấp dữ liệu cá nhân cho đối tượng này của một số đơn vị, tổ chức.

Mua bán dữ liệu cá nhân dễ như mua… rau: Từ cuộc gọi lạ đến đe dọa, uy hiếp - Ảnh 2.

Theo đại diện Bộ Công an tất cả các dữ liệu cá nhân bị rò rỉ không liên quan đến dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp căn cước công dân của Bộ Công an đang triển khai.

Vậy vì sao tình trạng mua bán thông tin cá nhân và các vụ án hình sự liên quan đến thông tin cá nhân ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Ngoài lý do chính là sự chủ quan trong bảo mật thông tin cá nhân của mỗi công dân thì công tác phối hợp và hành lang pháp lý để xử lý tình trạng mua bán thông tin cá nhân cũng là một khúc mắc cần tháo gỡ.

Nhiều bất cập trong quản lý "dữ liệu cá nhân"

Sau 3 ngày liên tiếp nhận điện thoại uy hiếp của nhóm đối tượng giả danh công an, người phụ bị khống chế, toàn bộ lịch trình di chuyển, những công việc đã và đang làm đều bị các đối tượng nắm rõ.

Các đối tượng yêu cầu nạn nhân rút 6 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại 3 ngân hàng vào tài khoản các đối tượng chỉ định. Sau khi nhận được tiền của bị hại, ngay lập tức, các đối tượng chuyển khoản lòng vòng qua dịch vụ Internet banking chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt.

Mua bán dữ liệu cá nhân dễ như mua… rau: Từ cuộc gọi lạ đến đe dọa, uy hiếp - Ảnh 3.

Lực lượng công an xác định, việc chuyển và rút tiền đều được tiến hành bằng các tài khoản giả mạo với thủ thuật ăn cắp thông tin của người khác, làm giả chứng minh thư để mở tài khoản ngân hàng. Thế nhưng công tác phối hợp của các đơn vị còn nhiều hạn chế.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, ngoài việc người dân và các đơn vị thu thập dữ liệu cá nhân quản lý chưa cao thì việc sử dụng sim rác đang còn nhiều. Bộ hành lang pháp lý hiện hành vẫn chưa phù hợp với thực tiễn, dữ liệu cá nhân vẫn chưa được xem là tài sản, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Cũng theo đại diện Bộ Tư pháp, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan sẽ có những đề xuất, kiến nghị, rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp hơn với thực tiễn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước