Bình Yên là làng nghề chuyên tái chế, cô đúc nhôm từ các phế thải như vỏ lon bia, đồ uống đóng hộp để sản xuất chậu, mâm, xoong nồi...
Cũng nhờ nghề này, ngày càng nhiều hộ gia đình ở đây trở nên khá giả. Nhưng mặt trái của nó là môi trường nơi đây đang ngày càng bị tra tấn bởi hầu hết các sông ngòi, kênh mương, nhiều ha ruộng vườn đã bị bỏ hoang vì ô nhiễm nghiêm trọng.
Cận cảnh dòng sông, mương ô nhiễm tại xã Nam Thanh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ảnh: Nguyễn Xuyến
Theo ghi nhận, hầu hết tất cả chất thải đều được các hộ đổ xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên mà không qua bất cứ một khâu xử lý nào. Mặt sông, mương với mùn hóa chất đúc xoong nồi thải ra đặc quánh, váng rêu nổi đầy mặt. Chưa kể, khói bụi và tiếng ồn từ hoạt động tái chế nhôm cũng đang “bức tử” môi trường tự nhiên ở làng nghề Bình Yên.
“Mỗi ngày hàng trăm mét khối nước từ khâu tẩy rửa sản phẩm gồm axit, sút, muối Cr và một số hóa chất khác chưa qua xử lý đã thải trực tiếp ra kênh, mương khiến nước nhuốm màu chỗ thì xanh rêu, chỗ thì đen, chỗ bạc trắng, chỗ thì đặc sệt màu vàng, bốc lên mùi hôi thối. Cá, tôm và các loài thủy sản còn không thể sống nổi. Ngày nào cũng vậy, mùi thối hỗn hợp, bốc lên nồng nặc khó chịu vô cùng”, anh Thành Công, người dân sống tại đây cho biết.
Người dân “sống mòn” trong làng nghề ô nhiễm. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Hoá chất đúc xoong nồi thải ra đặc quánh, váng rêu nổi đầy mặt. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Tương tự, chị Nguyễn Thúy Hiền – người dân sống tại đây cho biết, không khí trong làng lúc nào cũng ngột ngạt bởi các lò đốt hoạt động liên tục 24/24 giờ.
“Gia đình tôi không ai làm nghề này nhưng do sinh ra trong làng nghề nên vẫn phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm.
Nhiều khi khói bụi của các lò đúc bên cạnh bay sang kết thành lớp dày đặc trên mái nhà, khi trời mưa xuống lượng hóa chất độc hại bị hòa tan có khi còn sủi bọt, nếu rớt trúng tay còn gây phồng rộp”, chị Hiền nói.
Các lò đốt hoạt động liên tục 24/24 giờ, thải khói ra môi trường. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Tại các khu vực cửa sông, mương có vị trí giáp ranh với các làng, xã khác người dân đã chặn lại nên nguồn nước sông, mương của làng nghề Bình Yên ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Tính - Chủ tịch UBND xã Nam Thanh cũng cho biết, nghề đúc nhôm ở làng Bình Yên vốn không phải là nghề truyền thống, chỉ mới xuất hiện cách đây khoảng 30 năm. Hiện tại, làng Bình Yên có khoảng hơn 200 hộ làm nghề, tương đương 60 - 70%.
"Để giảm ô nhiễm môi trường, chúng tôi cũng nhiều lần cho nạo vét, thu gom nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng ô nhiễm lại tiếp tục diễn ra. Hiện xã đang cố gắng tuyên truyền, vận động người dân quy hoạch vào 1 khu giúp thuận lợi cho việc xử lý", ông Tính nói.
Tái chế nhôm đang “bức tử” môi trường tại Bình Yên. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Hệ thống nước thải trực tiếp ra sông, kênh mương. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Cũng theo ông Tính, ô nhiễm môi trường ở làng Bình Yên vẫn là bài toán chưa có đáp số.
"Hiện hầu hết các hộ chỉ chú trọng vào sản xuất mà không quan tâm đầu tư cho việc xử lý chất thải. Chiến lược lâu dài và triệt để chấm dứt tình trạng ô nhiễm là vận động các hộ dân chuyển đổi nghề, lựa chọn nghề khác đảm bảo an toàn, tốt hơn cho sức khoẻ. Tuy nhiên, còn gặp nhiều khó khăn do các hộ đều không đồng thuận", ông Tính cho biết thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!