Hướng tới Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020 (9/11), trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu tài trợ, Bộ Tư pháp tổ chức Phiên thảo luận với chủ đề "Nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em" nhằm trao đổi, thảo luận về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và từ đó đưa ra giải pháp nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng, chống bạo lực với trẻ em, qua đó góp phần làm tốt hơn công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ trẻ em trên thực tế.
Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận.
Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".
Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em đã quy định về 26 nhóm quyền của trẻ em cũng như khẳng định rõ ràng về trách nhiệm của tất cả các cơ quan trong việc bảo đảm và bảo vệ các quyền trẻ em đã được pháp luật quy định. Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và Luật Trẻ em, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã quan tâm nhiều hơn tới công tác tổ chức thi hành pháp luật về trẻ em thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo quyền của trẻ em nói chung, trong đó có quyền được bảo vệ, phòng chống với mọi hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em.
Toàn cảnh phiên thảo luận.
Gần đây nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Cùng với những nỗ lực hoàn thiện và tổ chức thi hành chính sách pháp luật về trẻ em, Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia vào các cơ chế pháp lý quốc tế liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em cũng như tham gia các văn kiện quốc tế khác có quy định về bảo vệ trẻ em như Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, các nghị định thư bổ sung Công ước về Quyền trẻ em. Các cam kết quốc tế này đã và đang được Việt Nam tổ chức thực hiện trong hệ thống pháp luật
Ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên thảo luận.
Trong điều kiện, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn của nước có trình độ phát triển thấp thì những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em thời gian qua là rất đáng ghi nhận, khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng so với mục tiêu, kỳ vọng, Việt Nam còn nhiều việc cần được tiếp tục làm tốt hơn nữa, nỗ lực và trách nhiệm cao hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương và của toàn xã hội, mỗi cá nhân để dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) được tổ chức hàng năm để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; nâng cao hiểu biết của mỗi người về pháp luật và vai trò của pháp luật trong đời sống, thông qua đó xây dựng được ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, tại Phiên thảo luận này, Bộ Tư pháp mong muốn cùng các cơ quan, tổ chức, các đồng nghiệp trong nước và quốc tế thảo luận và đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững cũng như yêu cầu của cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!