Nắng mưa thất thường, gia tăng bệnh nhân nhập viện do côn trùng cắn

Hải Yến, Lê Phức-Thứ bảy, ngày 29/07/2023 12:30 GMT+7

VTV.vn - Thời tiết mùa hè lúc nắng nóng, lúc mưa nhiều đang làm gia tăng số ca nhập viện do côn trùng đốt, trong đó có cả trẻ em.

Tại các tỉnh phía Bắc, thời tiết mùa hè lúc nắng nóng lúc mưa rào là điều kiện thuận lợi cho côn trùng sinh sôi và phát triển. Điều này đang làm gia tăng số bệnh nhân bị côn trùng đốt, đặc biệt là trẻ nhỏ. Những vết đốt thông thường là sẽ tự lành nhưng vẫn có 3% người bị côn trùng đốt có thể bị dị ứng nặng hoặc sốc phản vệ. Ghi nhận tại nhiều bệnh viện Da liễu những ngày hè này, số bệnh nhân nhập viện với những vết cắn của côn trùng đã tăng gấp 3 lần so với trước đây.

Ngứa, rát, sưng tấy do côn trùng đốt là câu chuyện phổ biến trong những ngày hè khi thời tiết nóng ẩm mưa nhiều. Thông thường những vết đốt thường lành tính và tự khỏi sau vài ngày, nhưng, cũng có không ít những trường hợp chuyển nặng phải nhập viện.

Anh Nguyễn Quang Tùng, Quận Thanh Xuân, Hà Nội không phải lần đầu bị kiến ba khoang đốt, nhưng khác với những lần trước chỉ cần tự bôi thuốc là khỏi, lần này, những vết đốt của anh đã lan rộng, ngứa rát.

Nắng mưa thất thường, gia tăng bệnh nhân nhập viện do côn trùng cắn - Ảnh 1.

Ghi nhận tại các bệnh viện Da liễu, trung bình mỗi ngày có hàng chục ca đến khám với tình trạng bỏng rát do kiến ba khoang đốt. Không chỉ vậy, những loài côn trùng khác, đôi khi không biết tên cũng đang tấn công nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Nắng mưa thất thường, gia tăng bệnh nhân nhập viện do côn trùng cắn - Ảnh 2.

Vết đốt của cháu nhỏ này chưa xác định được loài côn trùng nào, tuy nhiên độc tố không hề nhẹ. Chỉ sau một ngày đủ để thấy được mức độ nguy hiểm từ côn trùng đốt có thể chuyển biến nặng ra sao.

Theo các bác sĩ, vết đốt của côn trùng dù lớn hay nhỏ cũng cần phải sơ cứu đúng cách. Bác sĩ Quách Thị Hà Giang - Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: "Chúng ta nên để vị trí tổn thương ấy, tốt nhất rửa với nước muối sinh lý, hoặc không có thì rửa nhẹ dưới vòi nước sạch, sau đó dùng các kem dưỡng ẩm hoặc mỡ kháng sinh chống bội nhiễm. Xuất hiện những bọng nước, bọng mủ, lan rộng, sưng nề nhiều thì nên đi khám chuyên khoa."

Ngoài ra, đối với những vết đốt nhỏ, chưa trầy xước do gãi tạo nên vết thương hở, người bệnh có thể bôi dầu gừng, để giảm sưng, tiêu viêm… Sau 5-7 ngày vết côn trùng đốt lành lại, việc sử dụng những kem bôi đặc trị sẹo là vô cùng cần thiết .

Cảnh báo sốc phản vệ do côn trùng đốt Cảnh báo sốc phản vệ do côn trùng đốt

VTV.vn - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho nữ bệnh nhân 64 tuổi, bị sốc phản vệ do côn trùng đốt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước