Đến thời điểm này, nhiều địa phương dọc hạ lưu các con sông vẫn bị cô lập trong biển nước. Mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, nguy cơ ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh vẫn hiện hữu.
Những ngày này, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội giống như một biển rác. Ông Lưu Văn Hải, một cư dân ở đây, cho biết: "Nhiều nhà ở cao ném rác ra ngoài, thấy bẩn nên tôi mới phải đi thu gom…"
Toàn huyện Mỹ Đức còn hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nước lũ, trong đó hơn 800 hộ dân tại xã Hợp Tiến bị ngập sâu. Dù nước ngập sâu, nhiều nơi lên đến 6 mét, nhiều gia đình vẫn phải để người lại để trông coi tài sản.
Tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, Hà Nam, nước mới rút khoảng 40 cm. Người dân nhiều ngày sống trong cảnh không điện, không nước. Nhờ công tác dự báo kịp thời, thuốc men và nhu yếu phẩm tại địa phương đã được chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên, nỗi lo hiện tại là công tác vệ sinh môi trường và khử khuẩn sau khi nước rút.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng, nhấn mạnh: "Để phòng dịch bệnh, chỗ nào nước rút, các địa phương cần huy động mọi lực lượng cùng người dân dọn dẹp rác thải, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh; làm vệ sinh và xử lý các nguồn nước cấp cho ăn uống sinh hoạt để đảm bảo có nước sạch cho người dân."
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!