Khắc phục lỗ hổng pháp lý trong vấn đề cá nhân huy động từ thiện
Trong những vấn đề xã hội được quan tâm nhiều nhất trong 1 năm qua, không thể thiếu vấn đề từ thiện và quản lý hoạt động từ thiện. Những bất cập trong quy định từ thiện đã âm ỉ từ lâu, nhưng bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết trong mùa mưa bão năm 2020. Đó là những vấn đề như minh bạch thu chi, tổ chức triển khai cho đến thông tin báo cáo với các mạnh thường quân đóng góp. Yêu cầu cần có một hành lang pháp lý mới đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cách đây ít ngày, Nghị định 93 quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã chính thức được ban hành.
Những điểm mới cơ bản của Nghị định 93:
- Cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng để tiếp nhận tiền đóng góp theo từng cuộc vận động, không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết.
- Phối hợp chính quyền địa phương để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện: UBND cấp tỉnh, huyện hoặc xã là cơ quan chủ trì, phối hợp) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ.
- Công khai kết quả tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trên phương tiện truyền thông: Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp, công khai trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai trong 30 ngày.
Trong chương trình Vấn đề hôm nay, luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định, Nghị định 93 khắc phục được lỗ hổng trong quy định trước đây về vấn đề cá nhân huy động từ thiện: "Ở những văn bản trước, chỉ các tổ chức mà nhà nước cho phép được làm công việc từ thiện. Đây là một cản trở pháp lý, tạo rủi ro cho những người tham gia hoạt động này nên giải quyết bằng một nghị định mới thay thế là hoàn toàn cần thiết".
"Tôi rất vui khi đọc nghị định mới này. Toàn bộ xã hội trông chờ một sự minh bạch từ khâu vận động thu tiền, khâu quản lý tiền, các hiện vật khác rồi phân phối đến đúng địa chỉ hay không. Nghị định này tôi nghĩ đã giải quyết được vấn đề, làm rõ từng bước một những người mà tham gia hoạt động này cần phải làm gì. Về phía cơ quan nhà nước, cũng có một công cụ pháp lý rõ hơn để cần thiết thì can thiệp. Không chỉ can thiệp cho mục tiêu quản lý mà còn có trách nhiệm phải hỗ trợ, tham gia vào các hoạt động tự nguyện của người dân" - luật sư Nguyễn Tiến Lập nói.
Cần cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong hoạt động từ thiện
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội như MC, ca sĩ… đã đứng ra kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện hỗ trợ cho những vùng thiên tai. Đôi khi, chỉ một nhân vật có ảnh hưởng thôi cũng huy động được số tiền lớn hơn cả những tổ chức được pháp luật cho phép huy động, quyên góp từ thiện. Nhưng rất nhiều lùm xùm cũng theo đó mà phát sinh, tạo nên những dư luận không tốt, ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của chính những người nổi tiếng. Trên thực tế làm từ thiện là việc không dễ dàng, cần sự tính toán hết sức khoa học.
Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, việc tổ chức hoạt động từ thiện là một quá trình, bắt đầu từ việc vận động, tiến hành tiếp nhận tiến tới triển khai nguồn lực, sau đó phải được kiểm tra giám sát.
Riêng về khía cạnh quản lý thiên tai thảm họa, tiến trình gồm 5 giai đoạn: Phòng ngừa, Ứng phó khẩn cấp, Phục hồi, Tái thiết và sau cùng là các hoạt động giảm nhẹ. Trong quá trình hỗ trợ nhân đạo, những công việc mang tính phục hồi cũng quan trọng không kém giai đoạn khẩn cấp. Hoạt động tái thiết như điện, đường, trường, trạm cũng cần được quan tâm thực hiện.
Các giai đoạn trong quản lý thiên tai thảm họa và hỗ trợ nhân đạo
Với những nguồn lực lớn nên phân bổ, có kế hoạch cụ thể, chi tiết từng giai đoạn để đạt hiệu quả thiết thực nhất cho người hưởng lợi.
Liên quan những lùm xùm gần đây về vấn đề cá nhân làm từ thiện, luật sư Nguyễn Tiến Lập bình luận: "Khi người ta làm từ thiện, tôi không cho rằng bắt đầu bằng sự cố ý lợi dụng hay lạm dụng tín nhiệm của người khác để trục lợi. Có thể có nhưng không phải là mục tiêu chính hoặc là rất cá biệt thôi. Việc lùm xùm xảy ra là do tính không chuyên nghiệp. Người ta không có kinh nghiệm, không có kiến thức và kỹ năng nên cần được đào tạo, hướng dẫn chi tiết. Nghị định này đã đưa ra một định hướng như vậy. Tuy nhiên tôi nghĩ vẫn chưa được cụ thể".
Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, cần phải có những hướng dẫn, ví dụ như vấn đề phối hợp với chính quyền địa phương, vấn đề chi phí quản trị... Cần cụ thể hóa nữa để hạn chế được các rủi ro là một cơ chế giải quyết tranh chấp và khiếu nại thì nghị định này hoàn toàn không đề cập đến.
"Vừa qua không có khâu nào là xử lý hành chính cả. Khi có đơn tố cáo, tố giác, các cơ quan chức năng, cơ quan tố tụng vào cuộc ngay và hình sự hóa ngay các vấn đề như vậy bằng thủ tục điều tra. Điều đó tác động đến tâm lý dư luận rất lớn. Đáng lẽ chúng ta phải có một cơ chế giải quyết bằng hành chính trước. Những cơ quan chính quyền phải có những xử lý ban đầu để làm rõ với dư luận, tránh phải hình sự hóa, gây những tâm lý e ngại. Cần phải có hướng dẫn chi tiết hơn nữa hay các biểu mẫu để những hoạt động quản lý hành chính không quá rườm rà phức tạp" – ông Nguyễn Tiến Lập chia sẻ.
Tiền đóng góp từ thiện có thể được coi là chi phí khấu trừ thuế?
Đối với Việt Nam, từ thiện lâu nay về cơ bản được coi như một hoạt động tình cảm, nên quy định thì thiếu, và còn khá lúng túng khi xảy ra các vụ việc tranh cãi. Nhưng trên thế giới các quốc gia đã đi trước ta khá lâu, và từ thiện được đưa vào luật quản lý bài bản, chặt chẽ.
Tại Anh, bộ luật về hoạt động từ thiện căn bản nhất toàn diện nhất tại nước này là Luật từ thiện năm 2011 yêu cầu các hoạt động từ thiện phải có đăng ký, giúp chính quyền giám sát hoạt động theo tiêu chuẩn luật pháp nhằm tránh lạm dụng, lừa đảo, đồng thời công nhận quyền miễn trừ thuế thu nhập với hoạt động từ thiện. Như vậy với một hội nhỏ cấp làng quê cho đến quỹ từ thiện tầm cỡ quốc tế đều có sự giám sát của cơ quan chức năng.
Năm 2016, Luật từ thiện tại Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, nước này cho phép các tổ chức từ thiện dễ dàng đăng ký và thành lập. Trung Quốc áp dụng nhiều mô hình tổ chức từ thiện với nhiều ưu tiên về nghĩa vụ tài chính thỏa mãn nhu cầu đa dạng trong hoạt động từ thiện.
Luật mới cho phép Trung Quốc quản lý tốt hơn với các tổ chức từ thiện tránh tình trạng lừa đảo, lợi dụng từ thiện để trốn thuế hoặc xâm phạm an ninh quốc gia.
Hoạt động từ thiện tại Nhật Bản có một nền tảng lịch sử pháp lý phức tạp dẫn tới sự ra đời của nhiều loại hình tổ chức từ thiện. Theo đó nước này cho phép 8 loại hình được hoạt động từ thiện từ tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm cả kinh doanh phi lợi nhuận, các tổ chức phi chính phủ cho đến các hoạt động từ thiện chuyên nghiệp. Tổ chức có tỷ lệ phần việc tham gia từ thiện hoạt động cộng đồng càng nhiều càng được hưởng ưu đãi về thuế.
Ở Nhật Bản, tổ chức có tỷ lệ phần việc tham gia từ thiện hoạt động cộng đồng càng nhiều càng được hưởng ưu đãi về thuế
Về cơ chế khấu trừ thuế thu nhập cho các đối tượng đóng góp tự nguyện, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng cần học tập các kinh nghiệm và thực tiễn ở các nước khác: "Đây là một nguồn lực rất lớn, chia sẻ gánh nặng về an sinh xã hội, bảo trợ xã hội cho nhà nước. Do đó, những khoản đóng góp cho từ thiện cần được coi là chi phí để khấu trừ khi nộp thuế. Đây là một chính sách rất cơ bản mà tôi nghĩ chúng ta cần tham khảo".
Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Dù qua bao thăng trầm của đất nước, truyền thống ấy không hề mai một. Đó là điều rất đáng tự hào.
Nhưng đã đến lúc, không thể từ thiện một cách tự phát, dễ dãi. Bài bản và minh bạch mới chính là con đường để việc từ thiện tạo được sức ảnh hưởng lâu dài và chiếm trọn được niềm tin của cộng đồng. Mong rằng tháng 12 tới, khi Nghị định 93 chính thức có hiệu lực, chúng ta không phải chứng kiến những câu chuyện buồn lặp lại xung quanh hoạt động từ thiện nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!