Khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ thường giảm thấp vào nửa đêm và sáng sớm. Trong khi đó, cơ thể được ủ ấm do nằm trong chăn đêm sau một đêm, có thể bị sốc nhiệt khi vội vàng bước xuống giường ngay khi ngủ dậy. Lúc này, các mạch máu có thể bị co lại, gây thiếu oxy và nguy cơ tai biến, nhất là với người cao tuổi. Ông bà, bố mẹ nên ngồi tại giường sau khi thức giấc, dùng hai tay xoa vào nhau, xoa lên mặt cho ấm, tập vài động tác tại chỗ cho cơ thể thích nghi dần, sau đó mặc quần áo ấm rồi mới bước xuống giường. Thời gian tập thể dục cũng nên lùi lại, chờ khi có ánh sáng mặt trời, khí hậu ấm áp hơn, sương lạnh cũng tan bớt.
Bà Nguyễn Thị Hồi thay đổi thời gian tập thể dục để phù hợp với thời tiết lạnh
Bà Nguyễn Thị Hồi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã duy trì nghiêm túc thói quen tập thể dục từ nhiều năm nay. Nghiêm túc song không cứng nhắc, khi thời tiết chuyển lạnh, bà Hồi chú ý điều chỉnh thời gian và mức độ luyện tập của mình. Bà chia sẻ: "Luôn luôn chuẩn bị khẩu trang, tất tay, mũ đầy đủ khi ra ngoài luyện tập. Bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, cũng là cho những người xung quanh. Con cái không vất vả để chăm sóc mình khi ốm đau".
Còn ông Khuất Duy Hoan (Mỹ Đình, Hà Nội) lại cho biết, ngoài việc thay đổi thời gian và không gian luyện tập, ông cũng chịu khó bổ sung đủ nước trước và sau khi tập luyện, tránh để cơ thể thiếu nước trong thời tiết lạnh.
Người cao tuổi nên thay đổi thời gian luyện tập để đảm bảo sức khỏe
Một số những lưu ý khi tập thể dục mà các chuyên gia sức khỏe gợi ý:
- Giữ ấm cho cơ thể, không để thay đổi nhiệt độ đột ngột
- Người cao tuổi nên tập ít nhất 5 ngày một tuần, tốt nhất là tập luyện hàng ngày. Mỗi lần từ 2 đến 3 lần. Mỗi lần từ 20 – 30 phút.
- Ông bà, bố mẹ nên chọn tập trong nhà, ở nơi kín gió nhưng thông khí.
- Tập luyện với nhiều hình thức như tập thể dục tại chỗ, đi bộ trong nhà, tập yoga, tập dưỡng sinh hoặc nên phối hợp từ hai hay nhiều hình thức luyện tập nhằm làm tăng sức mạnh các khối cơ cũng như các khớp trong cơ thể.
Và một trong những lưu ý quan trọng chính là việc người cao tuổi cần lắng nghe, theo dõi các dấu hiệu của cơ thể để lựa chọn hình thức, thời gian luyện tập phù hợp. Các bậc ông bà - bố mẹ không nên tập luyện vượt quá khả năng cho phép, đặc biệt khi có bệnh nền như đái tháo đường, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh xương khớp nặng. Lúc này, những bài tập có thể không mang lại lợi ích sức khỏe mà ngược lại gây thêm chấn thương hoặc bệnh tật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!