Phân loại, nghiền rác, ủ phân và tái chế hạt nhựa là cách thức xử lý khoảng 2000 tấn rác mỗi ngày tại công ty Vietstar nằm trong khuôn viên khu xử lý rác Tây Bắc, huyện Củ Chi trong gần 20 năm qua.
Công ty Vietstar, đơn vị xử lý rác thải cho biết, không thể xử lý mùi hôi triệt để dù đã có nhiều giải pháp giảm thiểu như phun xịt hằng ngày. Ngoài ra, hàng ngày vẫn còn đến 600 tấn rác chưa thể tái chế nên vẫn chôn lấp. Nếu ước tính cơ học trong suốt 20 năm qua, các bãi chôn lấp này đang chứa trên 4 triệu tấn rác lộ thiên.
Từ năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã có 3 dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi được khởi công và dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2020, tuy nhiên đã 4 năm qua, dự án vẫn chưa thể thành hình.
Nguyên nhân chậm chuyển đổi công nghệ của các nhà máy này do chưa đưa vào danh mục điện sản xuất từ rác trong dự thảo Điện VIII của Bộ Công Thương nên không đủ cơ sở pháp lý để đấu nối điện lên điện lưới quốc gia. Từ đó, chưa được cấp phép xây dựng.
Như vậy, đến nay cũng chưa thể khẳng định nhà máy đốt rác phát điện khi nào được thành hình. Người dân sống quanh khu vực này cho rằng họ lại tiếp tục phải sống chung với mùi rác.
Còn với dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để trồng cây xanh cách ly với diện tích 200 hecta để làm vành đai giữa bãi rác với các khu dân cư nhằm hạn chế mùi hôi thối tại khu xử lý rác Tây Bắc hiện vẫn nằm trên giấy vì vẫn đang trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi trong việc giảm ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên môi trường TP cũng cho biết, sau bước nghiên cứu tiền khả thi, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ ra quyết định đầu tư cho dự án trồng cây xanh cách ly tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!