Lý do bởi phần lớn người dân tại khu vực này, dù điều kiện sống có chật chội, tối tăm nhưng chưa muốn dời đi vì… tiện.
Đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử.
Hiện thực hóa mục tiêu giãn dân khu vực nội đô là không dễ dàng
Cần giảm 215.000 dân tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng trong giai đoạn 2020 - 2030 là mục tiêu rất rõ ràng trong Đồ án được UBND thành phố Hà Nội công bố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tính khả thi của đồ án vẫn là bài toán khó.
Thực tế, cách đây hơn 20 năm, Hà Nội đã bắt đầu thực hiện đề án giãn dân phố cổ, dự kiến hoàn thành năm 2020. Vậy nhưng tiến độ đề án gần như vẫn dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân chính là do đề án chưa đảm bảo chính sách an sinh, xã hội phù hợp, khuyến khích sự tự nguyện di dời của người dân.
Tại số nhà 49 Hàng Bạc có tới 5 hộ gia đình cùng sinh sống. Về làm dâu ở đây hơn 30 năm, bà Nguyễn Thị Xuân chia sẻ, góc riêng tư duy nhất của mình là căn gác lửng chưa được 5 m2. Căn phòng vỏn vẹn 12 m2 là nơi sinh sống của gia đình bà đã hơn 4 thế hệ.
Thời điểm đông nhất, cả gia đình có tới 10 người cùng sinh hoạt tại đây. Căn phòng không có cửa sổ, vô cùng chật chội, gia đình bà cũng luôn muốn được chuyển chỗ ở nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép.
Diện tích sinh hoạt bị bó hẹp
Trả lời câu hỏi "Vì sao không bán nơi này đi để chuyển đi nơi khác với điều kiện sống tốt hơn?", bà Xuân thực lòng chia sẻ: "Ở địa chỉ này, 1 căn nhà có 5 hộ gia đình. Muốn bán thì cả 5 hộ đều phải đồng thuận thì mới bán được. Chứ chỉ bán duy căn phòng này của gia đình tôi thì không đủ tiền để chuyển đi nơi khác".
Tại các khu phố cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, 1 số nhà có tới hơn 4 hộ gia đình sinh sống là điều hết sức bình thường. Chung lối đi rất hẹp, chung khu bếp, chung luôn cả khu nhà vệ sinh.
Sinh ra và lớn lên ở đây đã hơn 50 năm, chị Thoa cho biết: "Sống ở đây chật chội nhưng mãi cũng quen. Chị không muốn dời đi nơi khác, đơn giản vì tiện".
Góc làm việc không thể nhỏ hơn của chị Thoa
Trước đây, cả ông bà, bố mẹ và anh chị em chị Thoa đều sống tại đây. Nhưng vài năm trở lại đây, kinh tế có, lần lượt mọi thành viên trong gia đình cũng đã di chuyển đi nơi khác. Bố mẹ chị cũng về Bát Tràng ở với diện tích rộng rãi, thoáng mát hơn. Còn bản thân chị thì vẫn sinh sống và làm việc tại đây. Căn phòng 7 m2 là nơi chị Thoa vừa làm việc, nấu ăn và sinh hoạt.
Để người dân tự nguyện di dời, cần có chính sách khuyến khích phù hợp
Giãn dân khu vực nội đô Hà Nội, cần sự đồng thuận của người dân. Đây là yếu tố kiên quyết khi thực hiện quy hoạch mới của thành phố được TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam chỉ ra. Chuyên gia cho biết, chủ trương giãn dân khu vực phố cổ đã có cách đây hơn 20 năm, tuy nhiên, trên thực tế, con số này không những không giảm mà còn tăng lên theo thời gian.
Nguyên nhân chính là do các vấn đề thủ tục, pháp lý; vướng mắc trong cải tạo, xây dựng các khu chung cư mới cùng các nhà chung cư trong nội đô; chưa tạo điều kiện thuận lợi, mức giá ưu đãi cho người di dời ra khỏi khu vực này.
... sinh hoạt bất tiện...
... nhưng nhiều gia đình vẫn bám trụ, không muốn di dời vì... tiện.
Để triển khai hiệu quả việc di dời người dân khỏi 4 quận nội đô theo Đồ án quy hoạch mới đây, cần sự đồng thuận từ nhân dân và nỗ lực của các cấp chính quyền. Cụ thể, thành phố phải đẩy mạnh việc phát triển mô hình chùm đô thị và đô thị vệ tinh, từ đó sẽ tạo ra những khu vực sống mới đầy đủ tiện nghi, có tiêu chuẩn, chỉ tiêu như đất đai, hệ số sử dụng đất cho người dân thoải mái hơn.
Để hấp dẫn người dân ra khỏi khu vực nội đô, thành phố cần có chính sách ưu đãi về giá đất, thuận tiện trong việc lựa chọn mô hình phát triển trong các khu đô thị.
Đối với những khu vực mới, để hấp dẫn người tái định cư, thành phố cần đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện và hướng tới chất lượng cuộc sống cao, đặc biệt phải liên kết thuận tiện giữa hệ thống giao thông với nội đô; gắn kết văn hóa, kiến trúc truyền thống nơi ở cho người tái định cư. Điều này sẽ giúp người dân dù có di dời khỏi nội đô nhưng vẫn có những mối liên hệ mật thiết với khu vực này.
Cuối cùng, thành phố phải chú trọng đến yêu cầu thuận lợi cho các hộ dân trong nội đô khi họ di dời. Cụ thể, phải chú trọng đến những yêu cầu như cải tiến chất lượng công trình kiến trúc và chỉ định những chỗ ở quy hoạch thật thuận lợi, thay vì chỉ đưa người dân vào các khu đô thị mới.
Chuyên gia nhấn mạnh, dù còn nhiều thách thức trong thời gian tới nhưng quy hoạch phân khu nội đô lịch sử công bố mới đây được các chuyên gia đánh giá là bước tiến lớn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại Hà Nội.
Để từng bước thực hiện mục tiêu giãn dân, nâng cao chất lượng môi trường, bảo tồn không gian kiến trúc cảnh quan khu vực nội đô lịch sử… vẫn cần những giải pháp được triển khai đồng bộ từ phía cơ quan chức năng, trong đó, việc đảm bảo quyền lợi, khuyến khích sự tự nguyện của người dân cần được ưu tiên trước nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!