Sự ứng cứu tại chỗ không ai khác chính là người dân vừa thoát chết, người dân các xã bên cạnh, dân quân, công an địa phương.
Quả núi sau làng giờ thành con suối. Chỉ sau tiếng nổ lớn, khối đất đá, bùn nhão từ trên quả núi cao tràn xuống làng, xé toạc thành một dòng thác dữ khiến dân làng không kịp chạy thoát thân. Ngay lúc sạt lở đất, mưa lớn, bão mạnh, cây cối đổ gãy, nước lũ khắp nơi. Mưa ngớt, những người vừa thoát thân hú gọi người dân làng bên vào cứu người.
Thông tin cứ truyền nhau, ngay trong chiều hôm đó, người dân xã Trà Dơn (gần xã Trà Leng) cũng băng rừng vào đây để cứu nạn. Không có dụng cụ gì, họ chỉ dùng tay, tận dụng vật dụng tại hiện trường có thể để đào bới, đưa người bị thương ra khỏi đồng bùn đất, nhà cửa đổ nát. Những ai khỏe mạnh, thay phiên nhau khiêng người bị thương xuống bệnh viện. Họ đã vượt qua thác lũ, mưa bão với quãng đường hơn 15km, với hơn 3 tiếng đồng hồ, đưa nạn nhân lên xe cấp cứu.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điều động phương tiện cơ giới hành quân ngay trong đêm để thông đường từ thành phố Tam Kỳ lên đến hồ thủy điện sông Tranh 2. Trong khi đường chưa thông, các tốp bộ đội đã cắt rừng vào hiện trường, tham gia công tác cứu nạn và trinh sát địa bàn.
Với phương châm, đường thông đến đâu, thiết bị đến đó, đúng một ngày, hơn 50km từ huyện Bắc Trà My đã thông đến xã Trà Leng. Toàn bộ bệnh nhân đã được xe cứu thương chuyên dụng đưa về Bệnh viện Bắc Trà My cấp cứu. Phương tiện cơ giới của quân khu nhanh chóng vào được hiện trường để tìm kiếm người mất tích.
Cùng với lực lượng quân đội địa phương và các đơn vị trực thuộc Quân khu 5, lực lượng cứu nạn của công an tỉnh Quảng Nam cũng có mặt kịp thời. Thông qua hồ thủy điện sông Tranh 2, lực lượng công an đã tiếp cận hiện trường bằng đường thủy và phối hợp với quân đội phối hợp nhịp nhàng từ công tác cứu nạn, cứu hộ và tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Từ 2 vụ lở đất kinh hoàng tại huyện Nam Trà My cho thấy, lực lượng tại chỗ là lực lượng rất quan trọng trong việc ứng cứu người khi thảm họa thiên tai xảy ra. Ngoài lực lượng kể trên, các doanh nghiệp xây dựng tại địa phương cũng kịp thời huy động phương tiện cơ giới tiếp cận hiện trường.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là phương tiện, thiết bị, trang bị cho lực lượng tại chỗ để ứng phó với thiên tai còn rất hạn chế. Vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng tại chỗ, người dân cần được tập huấn thêm kỹ năng về công tác cứu nạn, cứu hộ. Chính quyền địa phương trang bị và hướng dẫn sử dụng để người dân phát huy tối đa 4 yếu tố chỉ huy - lực lượng - phương tiện vật tư - hậu cần tại chỗ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!