Tháng 9/2019, nhiều khe nứt ăn sâu vào lòng núi Hồng và rộng đến mức có thể chui lọt cả người xuống. Trong khi nguyên nhân gây nứt núi Hồng còn chưa được xác định, nghi vấn do hoạt động đổ thải của Công ty Yên Phước còn chưa được làm sáng tỏ thì mới đây, tại bãi đổ thải phía Nam của công ty này trên đỉnh núi Hồng lại tiếp tục sạt lở.
Lo thảm họa xảy ra, xã Na Mao đã phải duy trì những điểm chốt trực cả ngày lẫn đêm. Một thành viên của tổ chốt trực này lo lắng sạt lở bãi thải cũng có thể xảy ra ngay cả khi trời nắng.
Anh Trần Phương Nam, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Na Mao, Đại Từ, Thái Nguyên chia sẻ: "Trời nắng, nước bốc hơi sẽ làm cho kết cấu đất đá rời ra và không còn bền chắc nên cả tảng đất đá không biết sẽ lở xuống bất cứ lúc nào. Ngay cả khi trời nắng chúng tôi cũng rất lo".
Xã Na Mao đã phải duy trì những điểm chốt trực cả ngày lẫn đêm.
Sau trận mưa lớn mới đây, từ các rãnh lún nứt trên sườn núi, bùn đất cát sỏi từ bãi đổ thải đã chảy xuống phía nhà dân và hình thành nên những dòng suối cát. Người dân địa phương lo ngại, trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, nguy cơ sạt lở bãi đổ thải có thể tái diễn bất cứ lúc nào.
UBND huyện Đại Từ cho biết, qua kiểm tra, ước tính tổng độ dài các cung sạt trượt mới xuất hiện ở bãi đổ thải của Công ty Yên Phước là hơn 200m. Hơn 5.000 m3 đất đá bị sạt lở sau trận mưa lớn vừa qua đã cho thấy hoạt động đổ thải của Công ty này ngày càng lộ rõ những nguy cơ mất an toàn. Huyện đã yêu cầu 9 hộ gia đình gồm 35 nhân khẩu trong vùng đặc biệt nguy hiểm phải di dời ngay đến những nơi ở tạm trong xã.
Giống như mọi lần, đại diện Công ty Yên Phước lại thừa nhận sẽ chịu trách nhiệm về sự cố sạt lở bãi đổ thải đồng thời đưa ra cam kết. Tuy nhiên, theo quan điểm của huyện Đại Từ, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ mất an toàn từ hoạt động đổ thải của Công ty Yên Phước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!