Người dân Quảng Nam chủ động ứng phó với mưa lớn

Tấn Sỹ, Lê Thu, Văn Thọ-Thứ sáu, ngày 14/10/2022 06:29 GMT+7

VTV.vn - Tỉnh Quảng Nam được dự báo sẽ phải chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và khả năng lượng mưa rất lớn, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, miền núi có nguy cơ sạt lở.

Vừa tất tả dọn lụt trở về, nay lại chuẩn bị ghe đề phòng nước lớn, nhà cửa chèn chống, di chuyển lúa gạo, vật dụng lên cao, còn nước lớn tới đâu thì di chuyển đến đó. Một tháng ròng rã với mưa, bão, lụt, rồi lại chuẩn bị lụt, giờ đã trở thành chuyện hàng ngày nhiều người dân.

Liên tục trong hơn 2 tuần, bão, lũ, mưa lớn đã làm cho cuộc sống của bà con Quảng Nam đảo lộn. Do vậy, trước khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ, ở 6 huyện miền núi, ý thức tự di dời đến nơi an toàn của hàng vạn bà con dân tộc thiểu số đã được nâng cao bởi họa sạt lở núi vẫn còn treo lơ lửng.

''Tại những điểm sơ tán chúng tôi bố trí công an, quân sự, thanh niên xung kích cùng hỗ trợ giúp người dân trong việc đảm bảo khu sơ tán. Sau khi sơ tán, nếu ảnh hưởng về nhà cửa thì lực lượng này cũng cùng với người dân, giúp dân khắc phục nhà cửa, ổn định cuộc sống của người dân'', ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết.

Dự báo từ đêm 13/10 đến 15/10, Quảng Nam nằm trong vùng trọng điểm có mưa to đến rất to. Tình hình ngập lụt, sạt lở đất chắc chắn sẽ xảy ra, vì vậy công tác chủ động ứng phó của chính quyền và người dân từ đồng bằng đến miền núi sẽ giảm bớt phần nào thiệt hại do mưa to gió lớn gây ra.

* Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương nằm trong vùng trọng tâm mưa lớn của đợt này. Theo ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế: "Vào sáng ngày 14/10, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức cuộc họp do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì để chỉ đạo công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 14-16/10.

Trong các ngày qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có lệnh vận hành các hồ chứa thủy điện. Chỉ đạo các địa phương rà soát các phương án sơ tán di dời dân đối với kịch bản lũ lớn xảy ra; đồng thời chỉ đạo các địa phương tổ chức khơi thông dòng chảy, đề phòng ngập úng đô thị.

Về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh để các địa phương chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó. Chỉ đạo các địa phương chủ động sơ tán di dời các hộ dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn''.

Thừa Thiên Huế ứng phó với mưa lớn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước