Công nhân - một lực lượng đông đảo trong xã hội lại chuẩn bị có cơ hội bày tỏ những chính kiến, những vướng mắc và cả những sáng kiến tới người đứng đầu Chính phủ, vậy những vấn đề nào đang là trăn trở của các lao động?
Người lao động mong chờ đối thoại với Thủ tướng
Sau khi đối thoại với nông dân, người đứng đầu Chính phủ sẽ có cuộc đối thoại thường kỳ với công nhân.
Trước đó, năm 2016 tại Đồng Nai, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với 3.000 công nhân đại diện cho người lao động 8 tỉnh phía Nam. Chương trình "Đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân" trở thành điểm nhấn quan trọng trong Tháng Công nhân hàng năm và được người lao động chờ đón.
Những kiến nghị liên quan đến vấn đề lương, bảo hiểm, nhà ở… của công nhân được người đứng đầu Chính phủ quan tâm lắng nghe để chỉ đạo các bộ ngành có những chính sách phù hợp.
Năm nay Chương trình đối thoại cũng được tổ chức ở nhiều nơi với hàng nghìn công nhân tham gia. Vậy có những vấn đề gì mà năm nay, người lao động mong muốn được tháo gỡ? Trước tiên có lẽ là vấn đề bức thiết nhất - nhà ở.
Người lao động mong mỏi cơ chế để được an cư lạc nghiệp
Có tới 90% lao động trong các khu công nghiệp phải thuê nhà ở trọ vì từ nơi xa đến. Gia đình chị Lương và gia đình người em chồng phải thuê trọ gần nhau để mẹ chồng tương trợ cho cả hai nhà. Thu nhập của 2 vợ chồng chị khoảng 15 triệu đồng/tháng nên chị chỉ dám thuê căn nhà cấp 4 nóng nực, còn lại để nuôi con ăn học mà vẫn thiếu trước hụt sau.
Nhà chị Trang lại chọn cho mình một chỗ thoáng mát và gần nơi làm việc hơn để thuê trọ. Nhưng đổi lại chị phải gửi 2 con về quê nhờ ông bà nuôi hộ vì chi phí đi học ở thành phố quá cao.
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 370.000 lao động phải thuê trọ. Tỉnh đã có chương trình cho các chủ nhà vay vốn cải tạo nhà trọ trong các khu vực dân cư thành những nhà trọ an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn còn nhiều điểm khó khả thi.
Một số khu công nghiệp cũng thúc đẩy việc xây nhà lưu trú cho công nhân. Song các vấn đề về vốn, đất đai, quản lý và vận hành các khu nhà lưu trú này còn nhiều vướng mắc. Như công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam có tới 10.000 lao động. Nếu có nhà lưu trú sẽ giải quyết được phần lớn nhu cầu của công nhân.
Năm qua, Bắc Giang đã quy hoạch hơn 100 ha để làm nhà ở xã hội cạnh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và có chính sách khuyến khích cải tạo nhà trọ trong dân, khuyến khích doanh nghiệp xây nhà lưu trú. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về cơ chế, chính sách mà tỉnh cần Chính phủ tháo gỡ.
Trong khi nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp được quy hoạch từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện thì các nhà thương mại, chia lô bán nền cạnh khu công nghiệp vẫn mọc lên như nấm. Người lao động vẫn mong mỏi có nơi an cư để còn đón con cái lên ở cùng bố mẹ, học hành và gắn bó lâu dài với nhà máy. Đây cũng là một trong những nỗi niềm mà người lao động muốn gửi tới người đứng đầu Chính phủ trong đợt đối thoại này
Việc có một căn nhà để an tâm làm ăn gần như là điều khó khăn nhất với nhiều công nhân. Một số doanh nghiệp chia sẻ chính sách, thủ tục xây dựng nhà cho công nhân trong khu công nghiệp còn rất nhiêu khê... Có doanh nghiệp mất 7 năm vẫn chưa xong thủ tục. Hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 2,2 triệu công nhân nhưng mới chỉ có 15% có chỗ ở ổn định, số còn lại phải thuê phòng trọ. Giờ thì mong muốn của họ chỉ đơn giản là được giảm bớt chi phí khi đi ở trọ.
Người lao động cần nhà ở
Chị Phương, quê ở Cà Mau, đang là công nhân của một Công ty may mặc tại TP Hồ Chí Minh cho rằng đang mong mỏi nhận được gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Thủ tướng Chính phủ. Bởi hàng tháng, số tiền nhà trọ chị phải trả đến 3 triệu đồng cho gia đình 2 vợ chồng và 2 con. Cộng thêm nhiều khoản sinh hoạt phí nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.
Đây cũng là điều mà nhiều công nhân xa quê, đang ở trọ và làm việc tại TP Hồ Chí Minh mong muốn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ.
Giá tiền điện, tiền nước sinh hoạt tại các khu nhà trọ luôn cao hơn gấp đôi, gấp ba so với giá quy định của nhà nước cũng là vấn đề khiến người lao động ở trọ vốn đã khó thì lại càng khó hơn.
Chính vì thế, mong muốn được hưởng chính sách điện nước như công dân bình thường có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh là mong mỏi của hầu hết người lao động.
Đó là những mong muốn rất chính đáng của người lao động. Bên cạnh các vấn đề về nhà ở, thu nhập, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho người lao động và con em, vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân cũng được đặc biệt quan tâm.
Người lao động muốn có thu nhập cao thì phải không ngừng nâng cao trình độ. Tuy nhiên, những năm qua, số người lao động được công ty cho đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề vẫn còn hạn chế. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến người lao động không gắn bó với nhà máy.
Công nhân mong được nâng cao trình độ
Sau gần 10 năm làm việc, chị Quyên từ một công nhân may bình thường trở thành tổ trưởng và hiện giờ là quản đốc một phân xưởng trong nhà máy.
Trong thời buổi khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, người lao động nếu không được học tập nâng cao trình độ sẽ bị lạc hậu và dễ bị đào thải khỏi dây chuyền sản xuất. Bởi vậy, mong muốn lớn thứ hai người lao động muốn gửi tới Thủ tướng chính là được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ.
Đại diện một doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách đạo tạo tay nghề cho người lao động, đặt biệt là ở những ngành nghề đặc thù như logistic, in ấn bao bì, công nghiệp phụ trợ...
Sau 5 lần đối thoại với Thủ tướng những năm qua, đời sống văn hoá, vật chất của người lao động trong các khu công nghiệp đã được quan tâm hơn nhưng vẫn còn khoảng cách so với mong muốn của Đảng và Nhà nước. Một trong những vấn đề đã được giải quyết sau khi Thủ tướng đối thoại với công nhân là việc giá điện đã được điều chỉnh phù hợp với người lao động.
Hiện nay, lực lượng công nhân đang chiếm 15% dân số và 27% lực lượng lao động, đóng góp 70% vào ngân sách Nhà nước và 65% GDP. Hai năm đại dịch đã làm nảy sinh nhiều vấn đề về an sinh, lao động, việc làm… Những tâm tư, nguyện vọng của người lao động và người sử dụng lao động sẽ là cơ sở để lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước kịp thời quan tâm giải quyết những vấn đề đặt ra, qua đó động viên công nhân tiếp tục nỗ lực trong lao động sản xuất, cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước.
Những câu chuyện cụ thể nêu trên chắc chắn sẽ là những chủ đề nóng, Thủ tướng sẽ lắng nghe và có những điều chỉnh cơ chế chính sách từ phía các bộ ban ngành, tuy nhiên, sự thay đổi cũng cần đến từ chính những doanh nghiệp, những người làm chủ mới mong công nhân yên tâm cống hiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!