Nguồn thu sụt giảm, báo chí Việt Nam đối mặt với thách thức

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 03/03/2023 00:30 GMT+7

VTV.vn - Nguồn thu từ quảng cáo - truyền thông của các cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm, đặc biệt là báo in. Báo chí Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức như thế nào?

Báo chí bị mạng xã hội cạnh tranh, doanh thu quảng cáo sụt giảm

Hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình.

Khác nhau về loại hình nhưng giống nhau ở tình cảnh sụt giảm về thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Khó khăn này là do các cơ quan báo chí trong nước đang bị các nền tảng xã hội cạnh tranh về quảng cáo-truyền thông, và cả người đọc, người xem, trong khi đó, các doanh nghiệp còn cắt giảm chi phí cho quảng cáo-truyền thông.

Nguồn thu sụt giảm, báo chí Việt Nam đối mặt với thách thức - Ảnh 1.

Từ cuối năm ngoái, tình hình khó khăn hơn, sau khi các doanh nghiệp gặp khó khăn cắt giảm chi cho quảng cáo và truyền thông. Bên canh đó là việc thiếu cơ chế Nhà nước đặt hàng báo chí và tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết triệt để.

Chiều 1/3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về kinh tế báo chí và hoàn thiện chính sách, pháp luật về báo chí.

Các cơ quan báo chí đang đối mặt với khó khăn, thách thức với mạng xã hội, doanh thu quảng cáo sụt giảm, đặc biệt với báo in. Qua khảo sát của Bộ TT&TT với 159 cơ quan báo chí, trong 2 năm đại dịch doanh thu đều giảm, doanh thu các đài PTTH năm 2021 giảm 10% so với năm 2020. Nhiều người đặt kỳ vọng vào doanh thu từ thu phí nội dung báo điện tử, song vẫn cần nhiều thời gian để nguồn thu này bền vững.

Báo chí thế giới tạo nguồn thu ra sao?

Báo chí bị sụt giảm thu là vấn đề không chỉ ở Việt Nam. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quảng cáo không còn là nguồn thu duy nhất và bền vững nữa. Nhiều năm trở lại đây, trên thế giới, nhiều đài truyền hình, tờ báo đã phát triển theo mô hình thuê bao người xem, người đọc trả phí, các tạp chí đã tạo nên nguồn thu từ những nghiên cứu khoa học chất lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Còn nhiều tờ báo hay hãng thông tấn đang tìm cách tăng doanh thu từ sản phẩm của mình nhờ nội dung và công nghệ.

Thời báo New York mới đây cho biết họ đã có thêm một triệu người đăng ký đọc báo số vào năm ngoái, giúp tăng doanh thu so với năm trước bất chấp những cơn gió ngược mà ngành truyền thông phải đối mặt.

Tuy nhiên tờ báo này chỉ có thêm có 730.000 người đăng ký mua báo giấy, giảm so với con số 795.000 một năm trước đó.

Nguồn thu sụt giảm, báo chí Việt Nam đối mặt với thách thức - Ảnh 2.

Để có thể đạt được số lượng đăng ký ấn tượng, Thời báo New York sử dụng thu phí được đo lường, tức là độc giả có thể đọc miễn phí một lượng nội dung trực tuyến nhất định trong một thời gian giới hạn, sau đó sẽ thu phí.

Ngoài ra, Thời báo New York cũng thu hút người đăng ký thông qua hình thức khuyến mại, như miễn phí dịch vụ nhạc Spotify trị giá 120 USD, nếu người dùng trả phí 1 năm.

Một tờ báo khác là Thời báo phố Wall, họ cho phép đọc miễn phí những bài viết được chia sẻ bởi các thành viên trả phí trên mạng xã hội như Facebook và mỗi bài báo sẽ bao gồm một "đơn đăng ký thành viên". Hoặc mở "quyền truy cập" 24 giờ cho những người không đăng ký, cho phép họ duyệt một số bài báo trên trang web trong thời gian giới hạn. Wall Street Journal muốn đảm bảo rằng không bỏ lỡ bất kỳ độc giả nào có thể trở thành người đăng ký.

Kinh tế báo chí cũng phải trở thành một ngành công nghiệp văn hóa

Theo dữ liệu khảo sát với 303 lãnh đạo truyền thông ở 53 quốc gia về "Xu hướng và dự đoán báo chí, truyền thông và công nghệ năm 2023", kết quả khảo sát các nguồn thu chính của báo chí ở các quốc gia này được xếp theo tỷ lệ từ thấp đến cao: Thanh toán vi mô, kinh doanh có liên quan, từ thiện, quyên góp, thương mại điện tử, tài trợ từ các nền tảng, tổ chức sự kiện, quảng cáo tự nhiên, quảng cáo hiện thị, trả phí thành viên.

Trong đó, thuê bao truyền hình hay đọc báo điện tử trả phí là động lực doanh thu chính của báo chí trong năm nay.

Báo chí có vai trò quan trọng. Báo chí Việt Nam còn có vai trò và nhiệm vụ đặc thù hơn. Vì thế, thách thức đặt ra đối với báo chí là làm thế nào để giữ được vai trò, chức năng là phương tiện thông tin thiết yếu của Đảng, Nhà nước và xã hội trong bối cảnh sụt giảm nguồn thu.

Nguồn thu sụt giảm, báo chí Việt Nam đối mặt với thách thức - Ảnh 3.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì cuộc làm việc.

Do đó, tại buổi làm việc giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đã có đề xuất cần xây dựng chiến lược kinh tế báo chí mang tính tổng thể, dài hạn: "Kinh tế báo chí, kinh tế truyền thông cũng phải trở thành một ngành công nghiệp văn hóa".

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ TT&TT đẩy nhanh việc đề nghị sửa đổi Luật Báo chí được sửa đổi năm 2016; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có lộ trình xây dựng một Luật điều chỉnh toàn bộ lĩnh vực truyền thông, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Các thành viên ủy ban cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở lý luận để phân loại, định rõ các loại cơ quan báo, tạp chí và cơ chế, chính sách phù hợp với từng loại…

Một số giải pháp cho kinh tế báo chí như chuyển đổi số báo chí, tăng cường vai trò của công nghệ; có cơ chế đặt hàng báo chí trong việc truyền thông chính sách...được nhiều đại biểu đặt vấn đề, đề xuất.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước