Chưa có nghiên cứu chứng minh chó mèo đã tiêm chủng sẽ không truyền bệnh dại. Nguồn: Independent
BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết nhiều người cho rằng chó, mèo đã tiêm phòng dại cắn sẽ không gây bệnh dại và không cần đi tiêm phòng.
Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm, có thể dẫn đến tử vong đáng tiếc. Mặc dù vaccine dại tiêm cho chó, mèo giúp giảm tỷ lệ dại trên vật nuôi nhưng vẫn chưa có nghiên cứu 100% con vật đã tiêm phòng sẽ không mắc bệnh dại. Hiện nay, hầu hết trường hợp mắc bệnh dại gần như đều từ chó nhà.
Trên thế giới vẫn ghi nhận các trường hợp chó nhà phát bệnh dại dù đã tiêm vaccine. Có thể kể đến trường hợp được báo cáo năm 2013 về một chú chó chăn cừu Đức 9 tháng tuổi phát bệnh với các triệu chứng liệt cơ hàm, lưỡi chuyển màu đồng, không tiết nước bọt, dù đã tiêm vaccine ngừa dại 4 tháng trước đó. Hay nghiên cứu tại Thái Lan năm 2016 ghi nhận 14 con chó đã tiêm phòng vẫn mắc bệnh dại, trong số này có 10 con phát bệnh thể bại liệt.
Theo BS Chính, hiệu quả miễn dịch ở động vật sau khi tiêm phòng dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng vaccine, kỹ thuật tiêm, thời điểm tiêm, tiêm có đúng phác đồ và có tiêm nhắc lại mỗi năm hay không. Vì vậy, khi chó cắn, mèo cào, người dân cần sơ cứu tại chỗ và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tiêm phòng.
Bệnh dại là bệnh gây ra bởi virus dại Rhabdovirus. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. 100% người lên cơn dại sẽ tử vong.
Theo Hội Y học Dự phòng, giai đoạn 2017 - 2021, Việt Nam có 378 ca tử vong do bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành. Năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 7 tháng đầu năm 2023 đã có 43 ca tử vong do bệnh dại. Đáng chú ý, các trường hợp ghi nhận trong những tháng gần đây tại Đồng Nai đều là các trường hợp ủ bệnh dài, 4-6 tháng và đều không tiêm vaccine sau khi bị chó cắn. Trước đó vào tháng 12/2202, một phụ nữ ở Bắc Kạn tử vong do phát bệnh dại từ vết chó cắn 4 năm trước và cũng không tiêm phòng.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố tháng 11/2021, việc tiêm vaccine cho chó đang có tỷ lệ thấp. Tỷ lệ đàn chó được tiêm chủng tăng lên hơn 49% nhưng chưa đạt yêu cầu tối thiểu để kiểm soát bệnh dại. Số tử vong do bệnh dại giảm ở các tỉnh nguy cơ cao song có xu hướng tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp. Do đó, nguy cơ người dân tiếp xúc với mầm bệnh rất lớn, cần có ý thức phòng ngừa bệnh dại.
Người dân có thể chủ động tiêm phòng dại trước khi bị phơi nhiễm. Ảnh: Ngọc Mai
Con vật bị dại thì tuyến nước bọt và các dây thần kinh đều có virus dại. Các bộ phận khác cũng có thể chứa virus. Khi bị chó mèo cắn hoặc cào, mọi người cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải rửa vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 45-70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Sau đấy, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm phòng dại.
Ngoài ra, BS Chính nhấn mạnh khi tiêm phòng chó mèo cắn, cần loại bỏ suy nghĩ tiêm một mũi rồi thôi. Điển hình trường hợp tử vong của một bé trai Nhật T. 8 tuổi tại xã Phước An (Tuy Phước, Bình Định) tháng 8 năm 2022. Trước đó 3 tháng, bé cùng 2 bạn đều bị chó cắn. 2 bạn còn lại đều tiêm phòng đầy đủ. Riêng bé T. chỉ tiêm một mũi và phát bệnh dại dẫn đến tử vong vào 3 tháng sau đó.
Theo hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người do Bộ Y tế ban hành, việc tiêm vaccine dự phòng bệnh dại và tiêm nhắc lại theo định kỳ được khuyến cáo cho cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại.Việc tiêm phòng trước khi bị cào, cắn, liếm vừa giúp giảm tỷ lệ tử vong do dại vừa giúp giảm số mũi tiêm nếu không may bị phơi nhiễm.
Việt Nam hiện đang có 2 loại vaccine phòng dại gồm Verorab (Pháp) và vaccine Abhayrab (Ấn Độ). Theo BS Chính, nhiều người mang tâm lý lo ngại tác dụng phụ của vaccine phòng dại. Song đó là vấn đề của vaccine thế hệ cũ. Verorab và Abhayrab được sản xuất theo công nghệ mới, không chứa các tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ. Vaccine thế hệ mới cũng không chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú.
Nếu bị chó mèo cắn, phác đồ của người chưa từng tiêm vaccine bao gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 4 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da). Trường hợp phơi nhiễm độ III cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại. Trường hợp chủ động phòng ngừa, mọi người chỉ cần tiêm 3 mũi vaccine đã có miễn dịch với bệnh. Nếu bị chó mèo cắn sau tiêm, dù vết thương nặng, mọi người chỉ cần chích ngừa thêm 2 mũi, không cần dùng huyết thanh kháng dại.
Gần 120 trung tâm tiêm chủng thuộc hệ thống VNVC đang có đầy đủ các loại vaccine phòng dại và phòng các bệnh truyền nhiễm cần thiết cho trẻ em, người lớn. Tất cả vaccine đều được bảo quản an toàn, chất lượng trong hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP và hệ thống dây chuyền lạnh (cold chain) khép kín.
Nhằm cung cấp kiến thức y khoa về phòng tránh, sơ cứu và điều trị dại, VNVC phối hợp cùng Báo điện tử VTV News tổ chức buổi tư vấn trực tuyến chủ đề "Vaccine dại và các bệnh cần phòng ngừa khẩn cấp", lúc 20 giờ thứ 6 ngày 11/8.
Chương trình có sự tham gia của:
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh
BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC
BS Lê Thị Mỹ Châu, BS chuyên sâu về bệnh truyền nhiễm, Khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Đặt câu hỏi cho chuyên gia tại đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!