Tiêu chí chọn nhà trọ của công nhân: Tiết kiệm nhất là được
Tháng 5 - tháng Công nhân, có rất nhiều hoạt động đã và đang được tổ chức cho người lao động, đặc biệt, sau hơn 2 năm đời sống người công nhân bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch COVID-19.
Đã có nhiều những tín hiệu vui, khởi sắc cho đời sống người công nhân lao động, khi các hoạt động sản xuất đang được khôi phục một cách khẩn trương. Tuy nhiên, cùng với những tín hiệu lạc quan, người lao động cũng vẫn đang phải đối mặt với bài toán khó bấy lâu nay là câu chuyện nhà ở.
Căn phòng trọ nhỏ chỉ hơn 10m2 với vài đồ đạc cơ bản nhất gồm chiếc giường, cái quạt, cái nồi là chốn đi về với mức giá 800.000 đồng/tháng của một công nhân trong gần 1 năm xuống Bắc Ninh làm.
Thu nhập chưa cao, ở một mình có nhiều lý do để căn phòng nhỏ, tối giản nhất với khu vực vệ sinh chung, bếp ngoài hiên này khi cân đo, đong đếm với chi phí vẫn là hợp lý với anh Hoài.
Và ngay cả khi không phải ở một mình, thu nhập tương đối, những căn phòng trọ không khép căn, giá rẻ này vẫn là lựa chọn của nhiều công nhân như chị Huệ, hàng xóm của anh Hoài.
Có bàn tay người phụ nữ nên căn phòng nhỏ cũng gọn gàng hơn. Chị Huệ bảo, lương hai vợ chồng cộng lại cũng được khoảng 20 triệu đồng, số tiền không nhỏ nhưng để phân chia thành tiền sinh hoạt, tiền gửi về quê nuôi con, tiền dành dụm thì khoản có thể cắt xén được tốt nhất vẫn là tiền trọ và cũng bởi tâm lý sống tạm để tích lũy về quê khi khó có thể an cư ở đây.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 70.000 người đang ở trong các khu trọ, nhà thuê trong dân.
Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt nơi đất khách, người lao động thường cắt giảm tối thiểu mọi chi phí có thể. THế nên, tiền ở trọ, vốn là một trong những chi phí cố định, luôn được sắp xếp ở mức thấp nhất, phòng khi các chi phí biến động khác phát sinh.
Khoảng trống nhu cầu và thực tế đối với nhà trọ công nhân
Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động, các đơn vị sử dụng người lao động, cùng các ban ngành, cũng đã có nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ, phát triển nhà ở cho công nhân. Thế nhưng, vẫn còn những khoảng trống giữa nhu cầu của người lao động, với khả năng đáp ứng thực tế.
Dù không tránh khỏi những bất tiện do sống đông người trong cùng một phòng khi giờ giấc ca kíp khác nhau nhưng những căn phòng ký túc xá lại giúp Trang và những công nhân ở đây bớt được nỗi lo lớn về tiền nhà trọ, khi mỗi tháng chỉ phải đóng 50.000 đồng. Chi phí thấp, các tiện ích hỗ trọ cũng đảm bảo nâng cao chất lượng đời sống của người lao động.
Ký túc xá công nhân chỉ dành cho người độc thân.
Tuy nhiên, ký túc xá này hiện mới chỉ dành cho người lao động độc thân. Còn người lao động có gia đình thì chưa thể đáp ứng được.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, khoảng 100.000 công nhân lao động ngoại tỉnh có nhu cầu về chỗ ở. Chỉ gần 20% công nhân được thụ hưởng điều kiện ở ký túc xá dành cho người lao động của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, tại 7 dự án nhà ở dành cho công dân đã đi vào hoạt động, số lượng người lao động ở không cao với chỉ khoảng 2.000 lao động. Nguyên nhân bởi giá cao hơn nhà trọ bên ngoài, quy định cũng chặt chẽ hơn hay lao động thu nhập thấp có nhu cầu sinh hoạt cũng khác hơn…
Bà Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, cùng với việc mạnh đầu tư, quy hoạch nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà ở công nhân cho người lao động trên địa bàn, tỉnh này đang nỗ lực ban hành tiêu chí về nhà trọ, quản lý mặt bằng giá cùng chi phí điện, nước, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!