Lý do được đưa ra là để cắt tỉa cây sâu mục nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, có nhiều dấu hiệu bất thường trong việc chặt hạ cây, mua bán loại gỗ thuộc nhóm IIA đặc biệt quý hiếm này.
Rừng lim hiện tại chỉ còn trơ lại cành khô và gốc, thậm chí nhiều gốc cây to cũng đã bị đào đi. Việc chặt hạ 24 cây lim cổ thụ được lãnh đạo nhà trường giải thích là để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa bão và không vì mục đích kinh tế. Nói là "không thu được đồng nào", nhưng thực tế ông Vũ Văn Thỉnh, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hồng Phong, đã ký hợp đồng bán 24 cây lim xanh quý hiếm cho một đơn vị thu mua gỗ tại tỉnh Bắc Giang với giá 24,9 triệu đồng. Số gỗ lim sau khi bị chặt hạ nhanh chóng được đưa về tỉnh Bắc Giang xẻ làm cột. Việc thu mua tại trường có giá 1,5 triệu đồng/m3, nhưng khi bán ra, 1m3 gỗ lim có giá tới 50 triệu đồng.
Chỉ một phần nhỏ số gỗ lim đã bán được thu hồi.
Dù là tài sản công nhưng Hiệu trưởng nhà trường vẫn tự ý bán rẻ mà không tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật. Phát hiện có dấu hiệu sai phạm, UBND xã Hồng Phong đã yêu cầu nhà trường thu hồi lại toàn bộ số gỗ lim đã bán, nhưng chỉ được một phần nhỏ.
Đồi lim cổ thụ đã gắn bó với người dân xã Hồng Phong qua nhiều thế hệ. Việc bất ngờ bị chặt phá cùng với lời giải thích không thỏa đáng của lãnh đạo nhà trường càng khiến cho người dân trong xã thêm bức xúc. Điều kỳ lạ là không chỉ Hiệu trưởng mà ngay cả lãnh đạo xã cũng không cho rằng, gỗ lim là gỗ quý, do đó việc rừng lim duy nhất của cả huyện Bình Gia bị chặt phá cũng là điều dễ hiểu.
Hiện cơ quan công an, kiểm lâm trên địa bàn đã vào cuộc để điều tra làm rõ sự việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!