Theo thống kê, hiện nay đang có tới khoảng 20 loại ứng dụng công nghệ liên quan đến sức khỏe, y tế, phòng chống COVID-19, do nhiều ban ngành và địa phương phát triển. Cái nào cũng có vai trò riêng nhưng lại thiếu liên thông, gây khó khăn cho người dân. Việc cần có một ứng dụng dùng chung là nhu cầu thực tế. Điểu này cũng tương tự như xu thế của các nước trên thế giới, đều cố gắng xây dựng một ứng dụng công nghệ chung để chống dịch hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích - người Việt Nam sinh sống tại Singapore - cho biết: "Ở Singapore có một app duy nhất là TraceTogether, tất cả thông tin đều tích hợp vào đây, check in với 1 cục thiết bị đầu cuối gắn ở tất cả các nơi công cộng như nhà hàng siêu thị".
Anh Đỗ Anh Nguyên - du học sinh tại Hàn Quốc - cho hay: "Ở Hàn Quốc có một ứng dụng là KakaoTalk để khai báo y tế, app này có thể trò chuyện giống Zalo ở Việt Nam mà có thêm nhiều tính năng như thanh toán trực tuyến, xem truyền hình và giờ được tích hợp cả mã QR khai báo y tế".
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế phát triển một ứng dụng mới thống nhất, thuận tiện cho người dân sử dụng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng phát biểu trong một cuộc họp gần đây về yêu cầu cụ thể với ứng dụng này.
Đó sẽ là một "siêu ứng dụng", tích hợp các tính năng hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Ứng dụng này dự kiến có tên là PcCovid, viết tắt của "phòng chống dịch COVID-19". Hiện ứng dụng đang được hoàn thiện, chưa ra mắt chính thức nhưng các tính năng của nó đã được chỉ đạo rõ. Ít nhất sẽ phải có chức năng cung cấp 1 mã QR duy nhất chứng nhận "thẻ xanh COVID-19" và để quét khi qua chốt kiểm dịch; các thông tin về tiêm chủng và đăng ký tiêm chủng vaccine COVID-19; khai báo y tế toàn dân, di chuyển nội địa; ngoài ra còn cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!