Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn chi tiết các địa phương về trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Theo dự kiến, trong tháng 3/2023, các địa phương phải hoàn thành việc rà soát, nâng công suất các mỏ cát, mỏ đá phục vụ xây dựng các tuyến đường cao tốc. Đây là các mốc thời gian đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ ngành để đảm bảo đủ vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông trọng điểm.
Tuy nhiên, theo nhiều địa phương, các mỏ trước đây phần lớn là nhỏ nên việc nâng công suất cũng không tăng được nhiều. Đặc biệt, trữ lượng cát tại đồng bằng sông Cửu Long đang giảm do dòng chảy thượng nguồn chậm, lượng bồi đắp không nhiều. Do vậy, việc đáp ứng nhu cầu về cát cho các dự án giao thông cũng trở nên khó khăn.
Theo quy hoạch đường bộ, trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc. Điều này đòi hỏi nguồn cung rất lớn về vật liệu, trong đó riêng về cát đã lên tới hàng chục triệu khối. Trong khi tại khu vực, các mỏ cát chỉ tập trung ở 3 địa phương là Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang và trữ lượng, công suất cũng chưa thể đáp ứng ngay cho các dự án trọng điểm quốc gia.
Chỉ riêng dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam đoạn TP Cần Thơ đến Cà Mau đã cần tới gần 19 triệu m3 cát nền và đáng nói, toàn bộ nhu cầu này phải đáp ứng ngay trong vòng 18 tháng, kể từ đầu năm 2023. Nếu không có ngay và có đủ nguồn cát sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ nhiều dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 bị chậm tiến độ đề ra.
Nguồn cung thiếu đã khiến giá cát xây dựng ở miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam tăng đột biến, có nơi cao gấp 2-3 lần so với trước Tết Nguyên đán. Giá tăng mạnh nhưng nguồn cung cho các dự án vẫn khan hiếm. Thực tế này đang khiến các dự án gặp khó khăn, thậm chí phải tạm dừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!