Nhiều hộ dân ở Hà Nội vẫn ngập trong biển nước, nguy cơ dịch bệnh bùng phát

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 17/09/2024 21:26 GMT+7

VTV.vn - Nhiều hộ dân ở huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn bị cô lập trong biển nước. Nguy cơ ô nhiễm môi trường và bùng phát một số dịch bệnh liên quan đến mưa lũ đang hiện hữu.

Hơn 10 ngày kể từ khi bão số 3 và mưa lũ sau hoàn lưu bão tàn phá miền Bắc, nước lũ ở nhiều nơi vẫn chưa rút hết. Nhiều địa phương tại hạ lưu sông Đáy vẫn bị cô lập trong biển nước, dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ cuộc sống. Lúc này, nguy cơ ô nhiễm môi trường và bùng phát một số dịch bệnh liên quan đến mưa lũ vẫn hiện hữu.

Những ngày này, thôn Phú Hiền (xã Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội) như một biển rác: chất thải, rác sinh hoạt và xác động vật trôi nổi khắp ngõ ngách. Để tránh rác vào nhà, những ống nước, ống tre được chặn trước nhà. Ngày vài lần, ông Hải lại đi thu gom rác quanh xóm nhưng cũng không xuể.

"Tôi thấy rác vào các xóm bẩn quá nên tôi phải đi thu gom, không đến trưa thì không ở được, sực mùi lên, túi bóng, đủ các thứ", ông Lưu Văn Hải (thôn Phú Hiền, xã Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ.

Nhiều hộ dân ở Hà Nội vẫn ngập trong biển nước, nguy cơ dịch bệnh bùng phát - Ảnh 1.

Nhiều khu dân cư của huyện Mỹ Đức vẫn bị ngập lụt sâu. (Ảnh: HNM)

Theo thống kê của huyện Mỹ Đức, toàn huyện vẫn còn hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nước lũ, trong đó, hơn 800 hộ dân tại xã Hợp Tiến vẫn bị ngập sâu. Dù nước ngập sâu, nhiều nơi lên đến 6 m, nhưng nhiều gia đình vẫn phải để người lại trông coi tài sản. Theo người dân ở đây, đồ ăn và nước uống không thiếu, nhưng do hàng ngày ngâm nước ô nhiễm khiến ai cũng mắc bệnh ngoài da và đường hô hấp.

"Từ hôm lũ, gia đình bị ngứa, nổi mủ", ông Lê Văn Trọt (thôn Phú Hiền, xã Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết.

Tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, Hà Nam, nước đã rút khoảng 40 cm nhưng tuyến đường chính nối địa phương này với Hà Nội vẫn không thể đi được. Người dân ở đây đã nhiều ngày sống trong cảnh không điện, không nước và phải di chuyển lên tầng cao để sinh hoạt.

Theo dự báo, nhiều ngày tới, nước tại các khu vực này mới có thể rút hoàn toàn. Với thời gian dài sống trong điều kiện ngập lụt, dấu hiệu của nhiều loại bệnh bắt đầu xuất hiện.

"Chúng tôi huy động các lực lượng cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng hỗ trợ cho các xã khi các xã có nhu cầu", Bác sĩ Phạm Ngọc Tài (Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm, Hà Nam) thông tin.

Chính quyền địa phương không chỉ nỗ lực giúp người dân đủ lương thực, thực phẩm, mà còn phải phòng chống nguy cơ bùng phát hàng loạt dịch bệnh sau mưa bão.

Nỗ lực ngăn dịch bùng phát sau lũ lụt

Trước nguy cơ bùng phát hàng loạt những dịch bệnh về đường tiêu hóa, da liễu và bệnh truyền nhiễm, chính quyền địa phương và ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ như: phát thuốc, hướng dẫn thau rửa bể nước và dọn vệ sinh ngay khi nước rút. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là ý thức người dân trong phòng bệnh và vệ sinh môi trường.

Huyện Chương Mỹ nhiều năm nay là vùng ngập lũ của Hà Nội, nhưng chưa khi nào tại đây nước lại dâng cao vào nhà như lần này. Hiện nước lũ đã rút nhẹ so với thời điểm ngập sâu nhất. Nhiều gia đình đã bắt đầu dọn dẹp, sử dụng Cloramin B để khử khuẩn theo hướng dẫn của trạm y tế.

"Cấp thuốc cho bà con phòng một số bệnh đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, thuốc sát khuẩn cho bà con xử lý nước ăn, vệ sinh môi trường", bà Nguyễn Thị Lưỡng (Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Phú, Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết.

Tại các khu vực ngập sâu tại huyện Mỹ Đức, cán bộ y tế phải di chuyển bằng thuyền đến từng nhà dân để cấp phát thuốc. Những loại thuốc cơ bản như: thuốc nhỏ mắt, tiêu chảy, viêm da…

Còn với những bệnh nhân nằm trong chương trình quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường, để không gián đoạn quá trình điều trị, cán bộ y tế đã đến từng nhà để khám và cấp thuốc.

Nhờ công tác dự báo thiên tai chính xác, kịp thời, nên theo các địa phương, thuốc men, nhu yếu phẩm đều đã chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên nỗi lo tại nhiều nơi là công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn sau khi nước rút.

Ngay tại thời điểm nước bắt đầu rút, các địa phương đã huy động mọi lực lượng cùng người dân dọn dẹp rác thải, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; làm vệ sinh và xử lý các nguồn nước cấp cho ăn uống sinh hoạt để đảm bảo có nước sạch cho người dân.

Phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ

Một trong những nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ là do thiếu nước sạch và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, người dân và nhân viên y tế cơ sở cần chủ động xử lý khi ô nhiễm môi trường theo phương châm nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó, đồng thời đề phòng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm sau nước rút.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khi mưa bão xảy ra, toàn bộ hệ thống chất thải của người dân, gia súc, gia cầm và cây chết thối là điều kiện cho virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh phát triển. Cùng với đó, thiếu thốn nước sạch trong sinh hoạt cũng là nguy cơ bùng phát một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, da liễu…

"Người dân không có điều kiện vệ sinh thân thể nên dẫn tới bệnh liên quan, tiêu hóa. Trước tiên là tiêu hóa, tiêu chảy, lỵ, thương hàn, ngộ độc thức ăn, viêm phổi, bệnh về mắt, bệnh về da liễu", PGS.TS. Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng) cho hay.

Theo các chuyên gia, việc phun khử khuẩn môi trường cần thực hiện sau khi nước rút. Ngành y tế địa phương cần hướng dẫn người dân vệ sinh và khử khuẩn các bể nước, bao gồm: làm sạch bùn đất và vi sinh sau khi nước rút.

"Sau khi nước rút, chúng ta cần đánh giá nguy cơ dịch bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường ở những vùng ngập lụt, có giải pháp đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân...", ông Đỗ Mạnh Cường (Phó Trưởng phòng Quản lý sức khỏe môi trường, Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế) cho biết.

Thời tiết mưa nắng thất thường là nguyên nhân bùng phát dịch sốt xuất huyết. Đặc biệt, Hà Nội trước bão đang là điểm nóng về sốt xuất huyết.

Bộ Y tế đã đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn trong xử lý môi trường và yêu cầu các sở y tế cung cấp đủ hóa chất cho người dân, khi nước rút cần tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng tại những nơi có nguy cơ cao.

Với phương châm, nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương kịp thời thu gom, xử lý xác gia súc, gia cầm, động vật chết; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; làm vệ sinh và xử lý các nguồn nước cấp cho ăn uống sinh hoạt để đảm bảo có nước sạch cho người dân.

Hà Nội còn hơn 30.500 người đang sơ tán tránh ngập lụt Hà Nội còn hơn 30.500 người đang sơ tán tránh ngập lụt

VTV.vn - TP Hà Nội còn 30.536 người thuộc 6 huyện đang phải sơ tán tránh ngập lụt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước