Nhiều người bị thu hồi đất sản xuất trước thời hạn

Đức Đệ, Xuân Hoa-Thứ hai, ngày 03/10/2022 10:04 GMT+7

VTV.vn - Người dân được giao đất sản xuất 50 năm nhưng bị thu hồi trước thời hạn. Không được đền bù, không được hưởng bất cứ quyền lợi nào, nhiều người lâm vào cảnh trắng tay.

Người dân tại thị xã Tràng Bàng, tỉnh Tây Ninh, phản ánh về việc đất sản xuất của họ bị thu hồi. Cụ thể là nhiều hộ dân đã phải bỏ tiền túi ra để tự khai hoang, trồng cao su trong nhiều năm nhưng rồi một ngày nhận được thông báo là phải trao trả đất mà không được hỗ trợ gì. Có người đã trắng tay.

Nhiều người bị thu hồi đất sản xuất trước thời hạn - Ảnh 1.

Đất hoang hoá trở thành những vườn cao su xanh tốt. Những đổi thay như thế này đã bắt đầu kể từ khi Hợp đồng giao đất trồng cao su 50 năm của Nông trường Cao su Bời Lời với nhiều hộ dân được triển khai. Hợp đồng xuất phá từ chủ trương phát triển cây cao su của Thường vụ Huyện uỷ Trảng Bàng từ những năm 1990, và đến sau năm 2040, hợp đồng mới kết thúc như thỏa thuận.

Mất nhiều công sức, tiền của để san ủi, cải tạo và chăm sóc những mảnh đất vốn nghèo khó nhưng năm 2017, nhiều người bị buộc phải giao trả đất mà không có được bất cứ quyền lợi nào.

Bà Huỳnh Thị Lan Phương đã khai hoang 55 ha đất để trồng trọt và khai thác cao su. Đầu tháng 12/2020, UBND thị xã Trảng Bàng gửi thông báo thu hồi diện tích này với lý do là hợp đồng kinh tế giữa Nông trường Cao su Bời Lời và bà Phương không đúng thẩm quyền. Nông trường Cao su Bời Lời sáp nhập, hợp đồng cũng chấm dứt.

Nhiều người bị thu hồi đất sản xuất trước thời hạn - Ảnh 2.

Ông Bội từng rất tin tưởng vào hợp đồng mà ông và chú mình có được sau khi hưởng ứng chủ trương khai hoang và thuê đất trồng cao su. Ngoài 2 ha đã ký hợp đồng thuê khoán trực tiếp với Nông trường Cao su Bời Lời, ông Bội tiếp tục vay mượn gần 600 triệu đồng để nhận chuyển nhượng tiếp 2 ha từ hộ dân khác như hợp đồng cho phép. Mới canh tác vài năm thì bị thu hồi, ông Hội gần như mất trắng.

Phóng viên VTV đã tìm đến UBND thị xã Trảng Bàng để năm thêm thông tin nhưng cán bộ văn phòng nơi đây cho rằng vụ việc đã được tòa án thụ lý nên không thể cung cấp.

Sau rất nhiều năm, hợp đồng giao khoán đất từng được khuyến khích mới bị cho là vô hiệu vì sai quy định pháp luật. Sau rất nhiều năm bỏ công sức, tiền của chăm sóc, đầu tư đất nông nghiệp theo đúng hợp đồng, người dân lại trở thành đối tượng vi phạm nếu không giao đất.

Nhiều người bị thu hồi đất sản xuất trước thời hạn - Ảnh 3.

Công nhân của bà Lan Phương trong khu cao su hơn 55 ha đang có những ngày thật buồn. Họ chẳng biết phải xoay trở như thế nào để có thể ổn định cuộc sống sau hơn 20 năm bám trụ với vùng đất này và xem đó là nhà, là sinh kế.

Những hụt hẫng, mất mát cứ ngày một nhân lên, trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa xem quyền lợi của người nhân là một phần trong những dự tính.

Người dân ở đây cho biết họ sẵn sàng chấp hành mọi chủ trương của nhà nước nhưng rất mong chính quyền địa phương có những giải pháp để hỗ trợ người dân, bởi nhiều người đã từng gắn bó với những khu đất trồng cao su này vài chục năm, bỏ ra rất nhiều tiền bạc và thời gian, giờ phải lâm vào cảnh trắng tay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước