Nhiều phụ nữ phải cắt tử cung điều trị ung thư cổ tử cung

Tuệ Diễm-Thứ năm, ngày 23/03/2023 09:55 GMT+7

Bác sĩ Kiều Lệ Biên (bên phải) khoét chóp điều trị tiền ung thư cho bệnh nhân Thu. Ảnh: Tuệ Diễm

VTV.vn - Theo GLOBOCAN 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung ở Việt Nam năm 2020 là 6,6/100.000 phụ nữ, chiếm 2,3% tỷ lệ ung thư chung. Tỷ lệ tử vong là 3,4/100.000 người.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm hoặc tiền ung thư gần như không triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo thường là ra huyết âm đạo bất thường, tiết dịch âm đạo bất thường… đáng tiếc là nhiều trường hợp phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, phải cắt tử cung khi chưa sinh con.

Giữa tháng 3, chị Hoàng Thu (30 tuổi, Đắk Nông) đến BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh khám phụ khoa định kì và kiểm tra trước mang thai lần 2, không may kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung có dương tính với virus HPV type 16. Khi soi cổ tử cung có sang thương nghi ngờ và bác sĩ lấy mẫu sinh thiết, kết quả người bệnh có tổn thương tiền ung thư.

Ngày 23/3, ThS.BS Kiều Lệ Biên, Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, chị Thu phát hiện tiền ung thư cổ tử cung mức độ 3 (CIN3) nghi do virus HPV. Bác sĩ đã tiến hành khoét chóp cổ tử cung để cắt bỏ những tổn thương, ngăn chặn nguy cơ tiến triển ung thư.

Theo bác sĩ Biên, quá trình sinh ung thư cổ tử cung được thể hiện qua 4 giai đoạn: nhiễm HPV; Sự tồn tại của HPV (so với thanh thải); Tiến triển thành tổn thương tiền ung thư; Ung thư xâm lấn, có khoảng 20% tổn thương do nhiễm HPV nguy cơ cao, nhiễm dai dẳng có thể dẫn tới tiền ung thư cổ tử cung nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Tổn thương chia làm 3 mức độ CIN 1,2,3. CIN1 nhẹ nhất, nguy cơ phát triển thành tiền ung thư mức độ 2,3 là 20%. Tiền ung thư mức độ 2,3 có nguy cơ phát triển thành ung thư xâm lấn là khoảng 30-70%. Quá trình nhiễm HPV đến ung thư xâm lấn khoảng 10-15 năm.

"Những tổn thương CIN2, 3 có thể phát triển từ tổn thương CIN1 và đến 99% là do HPV nguy cơ cao gây ra, trong đó có 70% ca bệnh do 2 type HPV 16 và 18", bác sĩ Biên lý giải.

Trường hợp khác, chị Kiều Minh (27 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) vừa kết hôn, chưa sinh con cũng được Trung tâm Sản Phụ khoa phát hiện tiền ung thư cổ tử cung có chỉ định khoét chóp. Người bệnh "sụp đổ" vì mới quan hệ tình dục lần đầu tiên cách đây > 1 năm. Trước đó, chị chưa từng tiêm vaccine ngừa HPV hay thăm khám phụ khoa.

Ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi từ 35 đến 50 tuổi. Và có khoảng 20% phát hiện ở phụ nữ >65 tuổi mà trước đó đa phần không tầm soát ung thư cổ tử cung đầy đủ. BVĐK Tâm Anh ghi nhận nhiều trường hợp như chị Thu, Minh, mắc tiền ung thư khi tuổi còn rất trẻ, chưa sinh con hoặc chưa đủ 2 con. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được bác sĩ Biên phát hiện mới 19 tuổi, còn độc thân và có quan hệ khi 15 tuổi, không tiêm ngừa ung thư cổ tử cung trước đó.

"Tiền Ung thư cổ tử cung có thể phát hiện sớm và điều trị triệt để 95-98%. Tuy nhiên, không ít trường hợp rất đáng tiếc phải cắt tử cung để điều trị triệt để chỉ vì người bệnh đi khám và điều trị muộn", bác sĩ Biên chia sẻ.

Nhiều phụ nữ phải cắt tử cung điều trị ung thư cổ tử cung - Ảnh 1.

Phụ nữ tầm soát ung thư cổ tử cung tại BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuệ Diễm

Ung thư cổ tử cung có thể dự phòng và điều trị triệt để nhờ tiêm ngừa, khám phụ khoa và tầm soát định kỳ. Nhờ tầm soát, nhiều bệnh nhân được phát hiện, điều trị tiền ung thư cổ tử cung giai đoạn rất sớm, giúp phụ nữ bảo toàn khả năng sinh sản. Theo bác sĩ Biên, nếu việc khoét chóp cổ tử cung đã loại bỏ tất cả sang thương và mẫu sinh thiết cho thấy phần còn lại không còn tế bào tiền ung thư thì người bệnh hoàn toàn có thể theo dõi để sinh con.

Tuy nhiên, cổ tử cung cần có khoảng thời gian phục hồi ít nhất 6-12 tháng sau thủ thuật. Trước mang thai, phụ nữ cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Bệnh nhân phải thực hiện lại các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, soi cổ tử cung để chắc chắn rằng tất cả các tế bào bất thường đã được loại bỏ hoàn toàn và không có dấu hiệu tái phát.

Ngược lại, kết quả thăm khám lâm sàng, sinh thiết và MRI cho thấy ung thư xâm lấn như ở giai đoạn 2,3,4 khoét chóp không thể loại bỏ ung thư mà lúc này bác sĩ sẽ phải chỉ định các phương pháp điều trị đa mô thức như phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp,…

Theo bác sĩ Biên, ung thư cổ tử cung thường không rõ triệu chứng giai đoạn đầu, khiến người bệnh chủ quan. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn, thì khối tổn thương đã lớn và có thể đã lan rộng.

Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, bước đầu người phụ nữ nên tiêm ngừa vaccin HPV. Bước thứ hai là phát hiện sớm tiền ung thư, ung thư cổ tử cung, việc tầm soát phải được ưu tiên hàng đầu. Chị em phụ nữ nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung từ 21 tuổi trở lên nếu đã quan hệ tình dục. Các xét nghiệm tầm soát bao gồm: tế bào học (Pap’s) nếu âm tính sẽ thực hiện mỗi 2 năm một lần; xét nghiệm HPV đơn thuần nếu âm tính có thể thực hiện 3 năm một lần hoặc bộ đôi tế bào học và HPV, nếu âm tính có thể lặp lại mỗi 3- 5 năm một lần.

Vào 20h thứ Năm, ngày 23/3/2023, BVĐK Tâm Anh kết hợp cùng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Tầm soát, dự phòng & điều trị sớm Ung thư cổ tử cung". Các chuyên gia gồm: BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, BS.CKI Bạch Thị Chính, ThS.BS Kiều Lệ Biên sẽ tư vấn trực tiếp cho khán giả cách phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời căn bệnh này. Bạn đọc hãy gửi câu hỏi tại đây để được các chuyên gia giải đáp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước