Vĩnh Phúc: Cách ly tập trung đối với người đi về từ các vùng dịch cấp độ 3 và 4
Ngày 15/10, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch để "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trên địa bàn ở cấp độ 2.
Từ 12h ngày 15/10, toàn bộ 9 chốt kiểm soát dịch COVID-19 vào địa phận tỉnh Vĩnh Phúc đã được nới lỏng. Người dân từ vùng xanh (vùng 1, vùng 2) vào tỉnh không cần giấy xét nghiệm SARS-CoV-2.
Hình ảnh một chốt kiểm soát tại Vĩnh Phúc
Đối với cá nhân tăng cường sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định để khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng vaccine, khám chữa bệnh. Sử dụng mã QR theo quy định của chính quyền, cơ quan y tế.
Đối với khách ngoài tỉnh ở vùng có dịch cấp độ 1, 2 đến Vĩnh Phúc phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm vào tỉnh (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19)...
Thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú 14 ngày sau khi cách ly tập trung đối với người đi về từ các vùng dịch cấp độ 3 và 4, thực hiện xét nghiệm theo quy định (ngày thứ nhất, thứ 3, thứ 7 và ngày thứ 14 bằng phương pháp Realtime-PCR) và được cá nhân người thuộc diện cách ly đồng ý.
Bắc Giang: Người từ vùng xanh, vùng vàng, vùng cam không cần kết quả xét nghiệm
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn về việc điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người đến/về Bắc Giang từ các địa phương khác.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chuyên môn thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, UBND tỉnh Bắc Giang điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người đến/về Bắc Giang từ các địa phương khác như sau:
Đối với người đến/về Bắc Giang từ vùng xanh (cấp 1), vùng vàng (cấp 2), vùng cam (cấp 3) không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2; không áp dụng lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 khi vào tỉnh (trừ trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mất khứu giác, đau đầu…). Thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Các nội dung khác tạm thời thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5355/UBND-KGVX ngày 12/10/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc hướng dẫn thực hiện các biện pháp cách ly y tế thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cho đến khi có hướng dẫn mới.
Sơn La: Người về từ "vùng cam" tiêm đủ 2 liều vaccine tự theo dõi sức khỏe tại nhà
UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người đi và đến từ "vùng đỏ" theo quy định của Bộ Y tế khi vào tỉnh Sơn La, từ 0 giờ ngày 15/10.
Sơn La điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: sonlatv.vn
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, thông tin: Thực hiện Nghị quyết số 128/NQQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", UBND tỉnh đã ban hành hướng dẫn mới cho người đi và đến Sơn La từ "vùng đỏ".
Theo đó, đối với tất cả các trường hợp vào tỉnh Sơn La phải thực hiện khai báo y tế, quét mã QR tại các Trạm kiểm soát dịch liên ngành trước khi vào tỉnh và khi trở về địa phương nơi đến và nơi lưu trú.
Đối với người đến từ vùng cấp độ 4 (vùng đỏ), đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19) sẽ tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú (nhà văn hóa xã, cụm bản, tiểu khu, lán trại…) trong vòng 7 ngày kể từ ngày trở về. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm hai lần bằng test nhanh hoặc PT-PCR.
Người tiêm một liều vaccine sẽ áp dụng cách ly tại nhà, nơi cư trú trong vòng 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo tại nơi lưu trú (nhà văn hóa, lán trại). Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR.
Những người chưa tiêm vaccine phải thực hiện cách ly y tế tập trung, huyện, thành phố hoặc xã, phường, thị trấn 14 ngày kể từ ngày về. Phải lấy mẫu xét nghiệm PCR ba lần theo quy định. Sau khi hết thời gian cách ly tập trung tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo.
Đối với người đến từ vùng cấp độ 3 (vùng cam) đã tiêm đủ hai liều vaccine tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về. Thông báo ngay cho cơ quan y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ.
Người từ "vùng cam" tiêm một liều vaccine sẽ áp dụng cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày. Sau đó, tự theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo và thực hiện xét nghiệm hai lần bằng test nhanh hoặc RT-PCR.
Người đi từ vùng cấp độ 1 (vùng xanh) và cấp độ 2 (vùng vàng) sẽ tự theo dõi sức khỏe, luôn thực hiện thông điệp 5K.
Tỉnh Sơn La sẽ áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ 4 và miễn phí test nhanh kháng nguyên hoặc PCR đối với tất cả các trường hợp đến, trở về từ TP Hồ Chí Minh vác các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai cho đến khi có thông báo mới.
Ninh Bình: Báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 trước 19/10
UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản số 707 về việc triển khai thực hiện Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Trong đó yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", báo cáo UBND tỉnh trước ngày 19/10/2021.
Đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả. Chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc để kịp thời tham mưu triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tiếp theo phù hợp với tình hình thực tế.
Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc về lưu thông và giao thông vận tải, có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ; kiên quyết không để ban hành các "giấy phép con". Triển khai thận trọng, an toàn, thực hiện thí điểm theo tuần để điều chỉnh phù hợp và phải tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, diễn biến của dịch và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh có lộ trình khôi phục các hoạt động về lưu thông, giao thông vận tải.
Thừa Thiên - Huế yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính có giá trị trong 72 giờ
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngày 15/10 đã ký ban hành hướng dẫn tạm thời một số biện pháp y tế đối với người đến/trở về từ các tỉnh, thành khác, được áp dụng từ ngày 16/10. Hướng dẫn này được ban hành theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế khuyến cáo người đến/trở về từ các địa phương cấp độ 1 (vùng xanh) có kết quả xét nghiệm âm tính có giá trị trong 72 giờ; thực hiện khai báo y tế, quét mã QR; tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về đến địa phương; xét nghiệm sàng lọc theo kế hoạch của cơ quan y tế.
Người đến/trở về từ các địa phương cấp độ 2 (vùng vàng) được khuyến cáo có kết quả xét nghiệm âm tính có giá trị trong 72 giờ; thực hiện khai báo y tế, quét mã QR.
Người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (có chứng nhận tiêm chủng đủ liều) hoặc được công bố khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh hay giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương) phải tự theo dõi sức khoẻ, giám sát y tế tại nơi cư trú/lưu trú 7 ngày kể từ khi về đến địa phương; xét nghiệm sàng lọc theo kế hoạch của cơ quan y tế.
Đối với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 thì giám sát y tế tại nơi cư trú/lưu trú 7 ngày kể từ khi về đến địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 7 ngày sau thời gian giám sát y tế; xét nghiệm, sàng lọc theo kế hoạch của cơ quan y tế.
Đối với người đến/trở về từ vùng cấp độ 3 (vùng cam), yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính có giá trị trong 72 giờ; thực hiện khai báo y tế, quét mã QR.
Người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc người được công bố khỏi bệnh COVID-19 thực hiện giám sát y tế tại nơi cư trú/lưu trú 7 ngày kể từ khi về đến địa phương, tiếp tục theo dõi sức khỏe 7 ngày; xét nghiệm 3 lần vào các ngày thứ 1 bằng test nhanh kháng nguyên, ngày thứ 3 và ngày thứ 7 bằng RT-PCR.
Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19: Thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày kể từ khi về đến địa phương, thực hiện xét nghiệm 4 lần trong quá trình cách ly vào các ngày thứ 1, 3, 7, 14 bằng RT-PCR. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, giám sát y tế tại nơi cư trú/lưu trú 7 ngày và thực hiện xét nghiệm 2 lần trong thời gian giám sát vào ngày thứ 3 bằng test nhanh kháng nguyên, ngày thứ 7 bằng RT-PCR. Sau đó, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú đủ 28 ngày kể từ khi về địa phương.
Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19: Thực hiện cách ly y tế tại nơi cư trú/lưu trú 14 ngày kể từ khi về đến địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nơi cư trú/lưu trú; xét nghiệm 4 lần vào các ngày thứ 1 bằng test nhanh kháng nguyên và ngày thứ 3, ngày thứ 7, ngày thứ 14 bằng RT-PCR.
Người đến/về từ vùng cấp độ 4 (vùng đỏ): Yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính có giá trị trong 72 giờ; thực hiện khai báo y tế, quét mã QR.
Người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc được công bố khỏi bệnh COVID-19: Giám sát y tế tại nơi cư trú/lưu trú 7 ngày kể từ khi về đến địa phương, tiếp tục theo dõi sức khỏe 7 ngày; xét nghiệm 3 lần vào các ngày thứ 1 bằng test nhanh kháng nguyên và ngày thứ 3, ngày thứ 7 bằng RT-PCR.
Quy định khai báo qua chốt kiểm soát dịch bệnh của Thừa Thiên - Huế
Việc giám sát, cách ly y tế tại nơi cư trú/lưu trú chỉ được thực hiện khi địa điểm cư trú/lưu trú đáp ứng đúng yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế và do chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định, phê duyệt; nếu không đáp ứng đủ điều kiện, phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định.
Trường hợp người thực hiện công tác, công vụ, đoàn ngoại giao, các nhà đầu tư và các trường hợp thực sự cần thiết khác: Yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính có giá trị trong 72 giờ; thực hiện khai báo y tế, quét mã QR; có văn bản báo cáo và được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh phê duyệt phương án phòng chống dịch cụ thể.
Lâm Đồng: Người từ khu vực Cấp 1, Cấp 2 không phải xét nghiệm, cách ly
Ngày 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp ký quyết định ban hành quy định tạm thời đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Quyết định có hiệu lực thi hành ngay hôm nay và thay thế các nội dung có liên quan trước đây.
Thống nhất người từ các tỉnh, thành phố khác đến hoặc về tỉnh Lâm Đồng và phải đăng ký với chính quyền địa phương (UBND các xã, phường, thị trấn) để được hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh. Người đến/về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực cấp 4 khi đi qua chốt kiểm soát phải có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực (kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ. Trường hợp phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định. Thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế: "Khẩu trang - Khi khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế ". Khai báo y tế trung thực và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh do khai báo không trung thực.
Đối với người đến làm việc tại tỉnh Lâm Đồng: Hạn chế tối đa tiếp xúc với người xung quanh, chỉ làm việc, tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân cần thiết; hạn chế việc di chuyển nhiều địa điểm khi không cần thiết. Thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác...
Các chốt kiểm soát phòng chống dịch thông báo cho UBND các xã, phường, thị trấn có người về để tiếp nhận và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
Đối với người đến hoặc về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực Cấp 1, Cấp 2: Thực hiện nghiêm 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của địa phương.
Đối với người đến hoặc về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực Cấp 3, Cấp 4:
Trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có "Thẻ xanh" trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc có chứng nhận tiêm chủng đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp (mũi 2 được tiêm đã qua 14 ngày trước khi đến Lâm Đồng) và người đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm vào tỉnh Lâm Đồng có giấy ra viện / giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19: Thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày. Xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mẫu đơn 1 lần vào ngày thứ nhất.
Trường hợp tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19: Cách lỵ tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và tiếp tục tụ theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7.
Trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19: Cách lỵ tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày và tự theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo. Xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.
Điều kiện đi lại giữa TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tây Ninh
Ngày 14/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản số 12660/UBND-KTN gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thống nhất bổ sung tổ chức cho người lao động sử dụng xe ôtô cá nhân di chuyển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Theo quy định của Đồng Nai, người lao động di chuyển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai bằng xe ôtô cá nhân phải là người đã tiêm vaccine (sau 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 6 tháng; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lấy mẫu.
Lực lượng chức năng huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) dỡ bỏ các chốt, điểm chặn kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 để từng bước phục hồi kinh tế địa phương. Ảnh: TTXVN
Tỉnh Đồng Nai lưu ý việc tổ chức cho người lao động di chuyển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai sẽ thay đổi khi tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch COVID-19."
Trước đó, đầu tháng 10 này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số 3252/UBND-ĐT gửi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh về tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển, khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.
Tại văn bản này, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương xem xét phương án cho người lao động sử dụng phương tiện cá nhân (ôtô, môtô, xe gắn máy) di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh và ngược lại.
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, việc cho phép người lao động di chuyển bằng ôtô cá nhân giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người lao động, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài đang làm việc ở Đồng Nai nhưng sinh sống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh có văn bản quy định về hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn theo cấp độ nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; trong đó, tỉnh tiếp tục tạm dừng vận tải hành khách liên tỉnh.
Cụ thể, tỉnh tiếp tục dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ Tây Ninh đi các tỉnh khác và chiều ngược lại bằng xe ôtô gồm các loại hình xe tuyến cố định, xe taxi, xe buýt, xe hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch cho đến khi có thông báo mới, trừ các trường hợp vận chuyển người đi cấp cứu, khám chữa bệnh; vận chuyển người hoàn thành cách ly, vận chuyển người khỏi bệnh COVID-19 đưa về nơi cư trú; vận chuyển công nhân, chuyên gia; vận chuyển đưa đón người dân giữa các địa phương khác có nguyện vọng về quê và các trường hợp cấp thiết khác.
Đối với vận tải hành khách nội tỉnh, tại các địa phương thuộc vùng cấp 3 là cấp nguy cơ cao, tương ứng màu cam và cấp 4 là cấp nguy cơ rất cao, tương ứng màu đỏ, tỉnh tiếp tục dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô gồm các loại hình: xe tuyến cố định, xe taxi, xe buýt, xe hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch; trừ các trường hợp vận chuyển người đi cấp cứu, khám chữa bệnh; vận chuyển người hoàn thành cách ly, vận chuyển người khỏi bệnh COVID-19 đưa về nơi cư trú; và các trường hợp cấp thiết khác. Các bến khách ngang sông ở 2 vùng này cũng tiếp tục dừng hoạt động.
Hoạt động vận tải hành khách tại các địa bàn thuộc vùng cấp 1 là vùng nguy cơ thấp, tương ứng màu xanh và vùng cấp 2 là cấp nguy cơ trung bình, tương ứng màu vàng, tỉnh quy định xe tuyến cố định, xe vận chuyển khách du lịch sẽ tiếp tục dừng hoạt động; với xe taxi được hoạt động không quá 30% số lượng xe của đơn vị vận tải được Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh cấp phù hiệu theo quy định; đảm bảo vận chuyển không quá 50% sức chứa/chuyến xe.
Xe buýt được hoạt động không quá 30% số chuyến xe/ngày/tuyến; đảm bảo vận chuyển không quá 50% sức chứa/chuyến xe; xe hợp đồng được hoạt động để vận chuyển hành khách đi lại khám chữa bệnh, cấp cứu; vận chuyển người hoàn thành cách ly; vận chuyển người khỏi bệnh COVID-19; xe đưa rước công nhân, chuyên gia đảm bảo vận chuyển không quá 50% sức chứa/chuyến xe. Trường hợp các phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua địa bàn thuộc vùng cấp 3 hoặc cấp 4 thì không được dừng, đỗ tại những vùng này.
Các bến khách ngang sông được hoạt động nhưng phương tiện đảm bảo vận chuyển không quá 50% sức chứa/chuyến. Riêng Bến khách Năm Chỉ xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, qua lại biên giới Campuchia tỉnh tiếp tục dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.
Kiên Giang: Khách ra đảo Phú Quốc phải tiêm 2 liều vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính
Ngày 15/10, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang vừa ban hành thông báo hướng dẫn thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Sau thời gian tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch COVID-19, tàu cao tốc từ đất liền ra đảo Phú Quốc và ngược lại đã được thí điểm hoạt động với nhiều yêu cầu bắt buộc.
Tàu cao tốc ra Phú Quốc sẵn sàng đón khách sau thời gian tạm ngưng vì dịch COVID-19
Theo đó, tuyến đường bộ cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, vận tải đường thủy nội địa, bến khách ngang sông được hoạt động trở lại bình thường.
Hoạt động vận tải tuyến từ bờ ra đảo, vận tải hành khách ven biển, quanh các đảo chở không quá 50% số ghế và phải giãn cách chỗ ngồi trên phương tiện. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 15 đến hết ngày 25/10.
Hành khách đi tàu cao tốc từ đất liền ra đảo và ngược lại phải tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bênh COVID-19 trong vòng 6 tháng, tính từ thời điểm về địa phương; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên phương tiện…
Đối với trẻ em dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng vaccine phải đi cùng với cha, mẹ đáp ứng các yêu cầu trên và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên phương tiện.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!