Là chủ trường mầm non với quy mô 200 trẻ và 24 giáo viên, mỗi tháng cô Phạm Thị Lành phải chi trả tiền mặt bằng và nhiều khoản thu cố định khác lên đến 200 triệu. Chỉ riêng 8 tháng dịch vừa qua, vì không có bất cứ khoản thu nào, cô đã phải vay mượn lên đến gần 2 tỷ đồng. Ngay khi TP Hồ Chí Minh mở cửa nhiều hoạt động, cô đã phải bán rau củ, trái cây. Số tiền lãi chỉ đủ hỗ trợ giáo viên trong trường mỗi người vài trăm nghìn. Đã có lúc cô phải rao bán 50% cổ phần trường.
Một thời gian dài không đón học sinh, nhiều ngôi trường xuống cấp, cơ sở vật chất hư hỏng nặng. Tiền giữ trường đã khó, nay lại phải lo thêm các khoản tu sửa trường để đón các con trở lại. Bởi vậy khi có thông tin Sở GD&ĐT đề xuất cho học sinh các khối từ mẫu giáo đến lớp 6 trở lại trường từ ngày 14/2, tâm lý chung của các trường là buồn vui lẫn lộn.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, đến nay có ít nhất 150 cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã giải thể vì không trụ nổi. Đối với các trường mầm non đang tiếp tục trụ vững, thì ngay từ bây giờ đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho trẻ đi học lại, tuy vậy nếu tình hình này kéo dài, nguy cơ nhiều chủ trường "buông trường" là điều khó tránh.
Phụ huynh vất vả xoay sở khi con nghỉ học
Kể từ khi thành phố trở lại nhịp sống bình thường mới, các bậc phụ huynh bận rộn với công việc, nhưng trẻ lại chưa thể đến trường. Cuộc sống vì thế cũng vất vả hơn. Như gia đình chị Minh Tuệ (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), nhà chỉ có 2 vợ chồng, lại tất bật bộn bề với công việc kinh doanh, chị Tuệ phải một mình xoay sở vừa trông 2 con vừa làm việc nhà, vừa phụ việc buôn bán.
''Một mình với 2 đứa con, bé lớn 3 tuổi, bé nhỏ 16 tháng cũng khó khăn rất nhiều. Mình vừa làm việc, vừa chăm 2 bạn, không có thời gian để chăm bản thân'', chị Tuệ cho biết.
Còn đối với gia đình chị Vũ Yến (quận Tân Bình), do tính chất công việc linh hoạt nên hai vợ chồng vẫn có thể chia sẻ thời gian trông con. Dù vậy, việc sắp xếp sinh hoạt vẫn vô cùng khó khăn. Đặc biệt, chị tin rằng các con không được tiếp xúc nhiều với trường lớp cũng khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng.
Chị Yến cho rằng: ''Khi các bé ở nhà quá lâu thì các bé nhút nhát, gây cản trở cho sự phát triển của các bé, các bé cần được đi học và tiếp xúc với thầy cô, bạn bè''.
Theo khảo sát tại một số trường mầm non tại quận Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh, 80-90% phụ huynh học sinh mầm non đồng ý cho con đi học trở lại khi thành phố ban hành quyết định. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh đã đặt chỗ ngay từ bây giờ với mong muốn con trẻ sớm được trở lại với môi trường lớp học cùng bạn bè, thầy cô.
Xem xét mở cửa trở lại trường học an toàn sau Tết Nguyên đán
"Khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn, phòng chống dịch COVID-19 để cho trẻ em, học sinh từ 5 - 11 tuổi đi học trực tiếp trở lại" là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.
Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, tại Hội thảo trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Y tế thống nhất cao quan điểm: Đến thời điểm này, Việt Nam đã có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để thúc đẩy mạnh mẽ hơn để củng cố, tái thiết lại việc học tập cho học sinh trong bối cảnh dịch, trong đó có cả bậc học mầm non.
Lãnh đạo 2 Bộ Y tế và Giáo dục cho rằng, đối với hệ thống mầm non, địa phương cần chuẩn bị khẩn trương các điều kiện để đưa các em trở lại trường, trong đó chuẩn bị tư tưởng, nhận thức xã hội là rất quan trọng, cần xây dựng 5K thành văn hóa phòng ngừa COVID-19 và lan tỏa 5K tới trẻ em, hướng dẫn các kỹ năng phòng dịch cho các em.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!