Nhiều vùng ven biển ngập rác thải gây ô nhiễm

Lan Phương-Thứ năm, ngày 09/11/2023 20:34 GMT+7

VTV.vn - Mỗi năm, hàng triệu tấn rác thải chưa được thu gom vẫn đang đổ ra biển, gây ô nhiễm môi trường biển và ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái và cuộc sống của người dân.

Ô nhiễm rác ven biển miền Trung

80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành có biển, với khoảng 112 cửa biển, là nguồn để rác trôi ra đại dương. Mỗi năm, hàng triệu tấn rác thải chưa được thu gom vẫn đang đổ ra biển, gây ô nhiễm môi trường biển và ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái và cuộc sống của người dân. Một trong những địa phương đang chịu áp lực lớn do ô nhiễm rác thải là Quảng Ngãi.

Tại khu vực xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, mùa mưa lũ, rác phủ kín, chất thành đống, tràn ngập khắp bờ biển dài khoảng 300 m thuộc thôn An Vĩnh. Rác đủ loại, từ rác thải sinh hoạt, có cả xác động vật trong tình trạng phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Theo người dân sống ở khu vực này, sóng lớn và triều cường mạnh đã đẩy lớp rác nằm dưới đáy sông Bài Ca, Cửa Sa Kỳ, sau đó đẩy vào Bãi Sau ở thôn An Vĩnh. Cùng với đó, dòng nước từ nhánh sông suối các xã: Tịnh Khê, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa, Bình Châu mang theo một lượng rác rồi tấp vào, biến khu vực trên thành bãi rác.

Nhiều vùng ven biển ngập rác thải gây ô nhiễm - Ảnh 1.

80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.

"Thành phố cũng có chỉ đạo, đưa lực lượng, bố trí thiết bị máy móc, có thời điểm thu gom 200 tấn xử lý tại khu vực này, nhưng sau đó rác từ các dòng chảy khác lại lùa về vị trí này. Lượng rác này như một chu kỳ hàng năm", ông Nguyễn Thành Thật, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, cho biết.

Quá tải rác tại các vùng ven biển

Hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước ta vào khoảng trên 14 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày). Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, khối lượng rác thải sinh hoạt dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên, khoảng 10% mỗi năm.

Trong khi đó, nhiều địa phương ven biển đang gặp khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt như: Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng… Cách đây không lâu, cũng tại Quảng Ngãi, người dân đã bức xúc lên tiếng vì rác thải quá nhiều. Lượng rác tích tụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tại khu vực đầm nước mặn Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Hàng tấn rác thải sinh hoạt, trong đó phần lớn là rác thải nhựa bị ùn ứ trong góc đầm. Đáng nói, rác bị tích tụ như thế khoảng 5 năm, sau khi nhà máy xử lý rác trên địa bàn ngừng hoạt động.

Ngoài phường Phổ Thạnh, 11 địa phương khác thuộc thị xã Đức Phổ cũng chưa có phương án hiệu quả thu gom và xử lý rác thải. Đa số tình trạng ô nhiễm là do rác thải sinh hoạt của người dân và rác từ biển dạt vào bờ, chủ yếu là rác nhựa.

Nhiều vùng ven biển ngập rác thải gây ô nhiễm - Ảnh 2.

Nhiều địa phương ven biển đang gặp khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt.

Còn các vịnh của quần đảo Cát Bà, Hải Phòng, vào tháng 8 vừa qua cũng đã có tới 40 m3 rác thải sinh hoạt các loại trôi dạt vào vịnh.

Theo Ban quản lý các vịnh của quần đảo Cát Bà, nguyên nhân trên là do thời tiết gió mùa. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng rất lớn, khi thời tiết thay đổi, hàng chục m3 rác thải từ biển trôi dạt vào bờ. Dù đã nỗ lực, nhưng rất khó thu gom 100% lượng rác ở biển.

Theo các nhà khoa học, trung bình trong 1 tấn rác thải sinh hoạt, có đến 12% là rác nhựa. Các hoạt động sản xuất trên biển như nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản cũng đang phát sinh rác thải nhựa mỗi ngày, khiến cho đại dương ngày càng ô nhiễm.

Khó khăn đầu tư hạ tầng thu gom xử lý rác

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ, đến năm 2030, ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Tuy nhiên nhiều nơi, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế và còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt thiếu hạ tầng cho thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Hiện nay, tại Quảng Ngãi, ước tính có khoảng 800 tấn rác thải rắn sinh hoạt được thu gom vận chuyển tập kết để xử lý. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu thu gom, xử lý.

"Phải hình thành nên các tổ thu gom để người dân phải tham gia các hoạt động thu gom này, phải có trách nhiệm đưa đến đúng nơi quy định, chi trả những kinh phí cho việc thu gom. Sắp tới, các huyện lên kế hoạch và xây dựng mô hình phân loại rác để giảm tải lượng rác phải được xử lý", bà Trần Thị Hà Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, cho biết.

Hầu hết các địa phương hiện nay đều không có, hoặc thiếu hệ thống thu gom, xử lý, tái chế rác hoàn chỉnh.

Bãi rác nằm nay trên tuyến đường chính của huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, rộng 2 ha và tồn tại đã hàng chục năm, luôn trong tình trạng quá tải, ô nhiễm. Cách xử lý ở đây là đốt tại chỗ rồi chôn lấp. Đáng nói, bãi rác thuộc địa bàn xã đã đạt mọi tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.

"Đầu tư nhà máy chế biến rác thải đang gặp khó khăn vì khi xây dựng nhà máy lớn, lượng rác của cả đô thị và nông thôn chưa chắc đáp ứng đủ yêu cầu; xây thì phải xa trung tâm, đường đi khó khăn", ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar, Đắk Lắk, cho hay.

Giải pháp trước mắt của các địa phương này chỉ là xây dựng phương án đảm bảo thu gom vận chuyển, xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, vừa lãng phí quỹ đất, vừa có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Giải pháp phân loại, thu gom, xử lý rác

Cách đây đúng 1 tuần, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn, gồm 3 loại: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Đây là tiền đề để từng bước giải quyết các vấn đề về ô nhiễm rác thải, trong đó có rác thải trên biển và ven bờ.

Hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu rõ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí, lựa chọn hạ tầng, giám sát việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

"Chúng tôi bắt đầu tập trung vào cái việc phân loại rác thải tại nguồn. Thứ hai là thu gom, xử lý rác thải và thông qua việc đó vận chuyển rác thải vào trong đất liền để tái sử dụng, tái chế để sử dụng cho sau này", ông Đặng Quang Ngạn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ.

"Tập trung vào nơi mà nguồn phát thải rác đó là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ ở khu vực ven biển, để từ đó họ có thể thay đổi ngay trong phục vụ, là giảm sử dụng các thiết bị bằng rác thải nhựa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khâu tuyên truyền, không những cho ngư dân, cho nhân dân ven biển, mà còn cho khách du lịch đến các vùng biển", ông Trương Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, thông tin.

Người dân khốn khổ vì điểm trung chuyển rác gây ô nhiễm Người dân khốn khổ vì điểm trung chuyển rác gây ô nhiễm

VTV.vn - Người dân khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Min đang chịu cảnh ô nhiễm từ một điểm trung chuyển rác hình thành từ 4 tháng nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước