2022 thật tuyệt khi trẻ em đã lại được đến trường, người lớn lại được đi du lịch và quan trọng là chúng ta không phải cách ly với nhau nữa. Nhưng không có nghĩa tất cả thói quen hồi đại dịch đều đã mất đi. Mạng xã hội tiếp tục gắn chặt với cuộc sống và chịu khó chuyển mình nhanh như biến thể virus vậy.
2022 cũng là năm khi cuộc sống trở về trạng thái bình thường thì lắm việc bất thường lại lộ ra. Nghiêm trọng thì trở thành các vụ án, còn sát sườn hơn thì khiến thay đổi hành vi như biết kiên nhẫn hơn trong nhiều tình huống.
Những câu chuyện của một năm Nhâm Dần đã qua được gợi lại dưới góc nhìn nhẹ nhàng và vui vẻ trên Chuyển động 24h.
CÁC CÁCH TẠO HIT BẰNG LIVESTREAM
Sau COVID-19, các nền tảng mạng xã hội vẫn rất thành công trong việc "đánh cắp" thời gian của chúng ta. Bởi những thứ truyền thông có, mạng xã hội cũng có. Những thứ truyền thông không có, mạng xã hội chưa chắc đã không có. Các nền tảng hiện chỉ đua nhau xem ai "đánh cắp" thời gian người dùng giỏi hơn. Cách dễ nhất là "trộm" luôn bài vở của đối thủ. Lên YouTube hay Instagram cũng để lướt video ngắn như Tiktok, còn lên Tiktok lại để xem livestream bán hàng như Facebook, rồi chốt đơn như Shopee.
Thậm chí một Tiktoker còn vừa lập kỷ lục tại Việt Nam với việc livestream bán hàng trong 24 giờ không nghỉ. Điều này không dễ như việc chỉ ngồi phe phẩy ngoài hiên đợi khách hàng bước vào, chí ít bạn phải có một dây thanh quản cực khỏe để liên tục nói như hét - hét như nói và một sức bền cỡ vận động viên để hết nói thì lại nhảy. Nguyên tắc là không khí luôn phải sôi động.
Có thể nói năm 2022 dù nghề nào gặp khó thì nghề livestream bán hàng vẫn thịnh vượng. Các phiên chợ live tấp nập nên cũng khó tránh khỏi lộn xộn. Người mua thì lo chất lượng, người bán thì lo mất cắp. Dĩ nhiên không phải mất cắp hàng, mà là mất cắp chính đoạn livestream để mạo danh bán sản phẩm khác. Như nữ ca sĩ Hòa Minzy có gian hàng online cũng sợ bị người khác ghi hình phát lại nên đã có kế tự biến mình thành "chiếc đồng hồ chạy bằng cơm".
Chiêu này đúng là độc lạ livestream. Nhưng vẫn còn nhiều ý tưởng khác lạ lùng hơn khi livestream trên mạng xã hội. Bởi khi đứng trước một đám đông vô hình thông qua chiếc màn hình điện thoại, con người có vẻ dám nói và làm những thứ táo bạo hơn.
Đầu tiên phải kể đến là bộ bí kíp livestream triệu views với chiêu "luận đàm cùng thiên hạ". Cách thứ hai là "tám chuyện bốn phương, bóc phốt được thì càng tốt", bằng chứng thì có hay không không quan trọng, quan trọng là mình dám nói, thậm chí là nói to, nói sốc. Ngoài ra, khi lên livestream có thể kết hợp hát karaoke, nhảy múa cho sinh động, hút view. Cách thứ ba là phải nghĩ ra 1 livestream thật sự "ối giồi ôi", chưa từng có tiền lệ như livestream "đêm cuối để mai đi tù". Cách này đặc biệt có tác dụng với những ai đang dính "phốt", kể cả là "phốt" liên quan đến pháp luật. "Phốt" to nhưng cứ đông người xem thì bạn vẫn giữ được phong thái như một người nổi tiếng.
THAO TÚNG TÂM LÝ - HIỂU THẾ NÀO MỚI ĐÚNG?
Nếu như đến việc sắp đi tù cũng có thể livestream thông báo như kiểu nói về một chuyến du lịch sắp tới thì hẳn Tina Dương sẽ thấy nhớ chiếc điện thoại của mình khi không được lên live để kể về trải nghiệm thực sự khi trong trại tạm giam là như thế nào.
Từ khi xuất hiện vụ án "cô dâu siêu lừa" Tina Dương, cộng động mạng bỗng quen miệng sử dụng một thuật ngữ nghe có vẻ rất chuyên môn là "thao túng tâm lý". Thậm chí, vô tình thế nào, Merriam-Webster - trang từ điển trực tuyến chuyên công bố từ khóa của năm - đã bình chọn "Gaslighting" - một dạng hành vi thao túng tâm lý - là từ của năm 2022. Kết quả này dựa trên thống kê lượt tra cứu toàn cầu đối với "Gaslighting" đã tăng đột biến hơn 17 lần so với năm trước đó. Vậy thực sự "thao túng tâm lý" là gì, ngoài cái cách giải thích khá hàn lâm và phức tạp nếu tìm trên Google?
Chuyên gia Rối Trí sẽ giải đáp vấn đề này. Rối Trí là chuyên gia uy tín trong các mảng tâm lý học, đầu tư học, drama học, tiktok học… với vô số công trình nghiên cứu từ cấp thôn đến cấp quốc tế nhưng chưa được ứng dụng. Chuyên gia Rối Trí được đào tạo không chính quy tại Tây Ban Nha.
Theo chuyên gia Rối Trí, đã là "thao túng" thì phải đạt được những lợi ích lớn hơn và lấy được những lợi ích đó từ người lạ chứ không phải người thân. Quy mô hơn thì thao túng được cả một đám đông - người ta gọi là thao túng thị trường. Để làm được việc thì đó phải có chiến thuật và rất quyết liệt nếu không thì khó chiếm được niềm tin để chi phối người khác.
Rối Trí - chuyên gia uy tín trong các mảng tâm lý học, đầu tư học, drama học, tiktok học…
Nhận biết các chiêu thức thao túng tâm lý mà dễ thì đã chả ai bị lừa. Nhưng, theo chuyên gia Rối Trí, mọi người nên cảnh giác với một chiêu đang khá thịnh hành, kể cả trong vụ Tina Dương cũng đã áp dụng, đó là "diễn". Với chiêu này, kể cả có đứng đường không cần lao động gì, bạn vẫn kiếm được ra tiền.
ĐỜI TRẢ CÁT SÊ NÊN TA PHẢI "DIỄN"
Có một nơi có thể mang lại cho các bạn cơ hội kiếm tiền cả triệu đồng mỗi ngày với sự đầu tư rất chỉn chu. Ở đó, bạn không cần thời trang nhưng phải biết hóa trang. Ví dụ như trở thành người vô gia cư cô đơn, buồn khổ trong đêm đông lạnh lẽo với "đạo cụ" là chiếu, chăn, mũ ấm, áo mưa, nón rách, khăn quàng…
Để tối ưu thu nhập, thời điểm đoàn từ thiện xuất hiện là vô cùng quan trọng. Bạn phải chiếm lấy ngay những vị trí dễ nhận quà nhất, tranh giành một chút cũng không sao vì quà có hạn, quà có giá trị cao thì lại càng ít. Có thể hơi mất sức nhưng thành quả sẽ là những chiếc xe chở đầy quà. Có một xe quà rồi thì đổi thành tiền thế nào? Đơn giản nhất là bán rẻ lại, bạn sẽ có tiền, hàng xóm thì có đồ rẻ để dùng.
Cơ hội kiếm tiền luôn quanh ta, điều bạn cần là kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm để nhìn thấy những cơ hội đó.
MỘT NĂM TRÔI QUA THẬT NHANH NHƯNG CŨNG THẬT DÀI
Khi chúng ta nhìn lại một năm luôn có hai trạng thái thật lẫn lộn. Về cảm xúc, 1 năm trôi qua thật nhanh nhưng nếu nhìn bằng lý trí, bằng cách lần lượt nhớ lại những điều đã xảy ra ngoài xã hội và với bản thân mình thì cũng sẽ thấy 1 năm thật dài, thật nhiều biến cố. Cũng vì thế, thời khắc được đoàn tụ vào dịp Tết lại càng trở nên ý nghĩa, đặc biệt với những người trót nghe theo lời dụ dỗ mà vượt biên sang đất khách để rồi trở thành nô lệ cho những đường dây tội phạm. Với họ, không gì quý hơn nếu lúc này được ở bên gia đình.
Một câu chuyện nhức nhối không thể không nhắc đến trong năm vừa qua đó là những cái bẫy buôn người bên kia biên giới, đã được miêu tả chân thực nhất trong bộ phim VTV Đặc biệt: Bẫy phát sóng cách đây 1 tháng. Những hình ảnh gây sốc về cách một con người có thể bị đối xử tàn tệ thế nào khi lọt vào tay các ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia rồi trở thành những món hàng sống bị mua đi bán lại, bị dồn ép đến mức phải bện dây thừng liều mình bỏ trốn.
Không phải ai cũng may mắn trốn thoát, may mắn được gia đình chuộc thân và may mắn sống sót… nhưng nếu là một trong những người may mắn đó thì Tết này chắc chắn là đáng nhớ nhất trong cuộc đời họ. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho mọi bạn trẻ khi đối mặt với những lời dụ dỗ bỏ nhà đi biệt xứ.
Trong năm Nhâm Dần 2022, bên cạnh những câu chuyện bất thường cũng có những việc tử tế. Có những người thậm chí còn hy sinh bản thân mình để cứu sống những người xa lạ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!