Nhức nhối cuộc chiến với "lâm tặc bóng đêm" tại rừng Krong Pa, Gia Lai

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 09/09/2020 15:16 GMT+7

VTV.vn - Nhiều "cánh cửa" rừng bị mở toang từ bên trong, hàng ngàn ha rừng tự nhiên bị tàn sát, còn người dân có khi thức trắng đêm vì tiếng ồn của các đoàn xe "lâm tặc bóng đêm".

Nói đến nạn phá rừng hẳn nhiều người sẽ nhắc đến cụm từ "lâm tặc". Tuy nhiên, cụm từ này giờ đây không chỉ gói gọn để chỉ các đối tượng chuyên khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản mà còn bao hàm cả những người lấn chiếm đất rừng đã tự biến mình lâm tặc.

"Lâm tặc bóng đêm" rừng Krong Pa

Nhức nhối cuộc chiến với lâm tặc bóng đêm tại rừng Krong Pa, Gia Lai - Ảnh 1.

Huyện Krong Pa, tỉnh Gia Lai là một trong những điểm nóng về làn sóng lâm tặc vùng giáp ranh đổ về phá rừng lấy gỗ, cùng với sự tiếp tay của một số người làm rẫy địa phương. Nhiều "cánh cửa" rừng đã bị mở toang từ bên trong, hàng ngàn ha rừng tự nhiên bị tàn sát, lấn chiếm. Nhiều đêm, người dân nơi đây phải mất ngủ bởi tiếng ồn của những đoàn xe lâm tặc chở gỗ xuyên rừng trong đêm.

19h30, tại bìa rừng khu vực giáp ranh 2 xã Iarsai và Chưrcăm, tiếng xe gầm rú cùng những ánh đèn pha chớp sáng của đoàn xe lâm tặc chất đầy gỗ nối đuôi nhau ra khỏi rừng. Trong vòng 1 giờ đồng hồ, khoảng 15 chiếc xe chia thành 2 tốp, lao nhanh qua rồi đột nhiện biến mất khi cách buôn Chư Sê khoảng 1 km.

Không chỉ già làng Rah Lan Black, âm thanh của những chiếc xe này cũng đã quen với cả buôn làng hàng đêm.

Theo vết bánh xe, cách vị trí mật phục ở bìa rừng đêm hôm trước hơn 1 km, phóng viên đã phát hiện ra nhiều xe lâm tặc chất đầy gỗ đỗ rải rác khắp nơi. Đó chính là một trong những địa điểm tập kết gỗ để sẵn sàng đi tiếp ra khỏi rừng khi có mật báo.

Nhức nhối cuộc chiến với lâm tặc bóng đêm tại rừng Krong Pa, Gia Lai - Ảnh 2.

Gỗ được vận chuyển ra điểm tập kết bằng xe máy.

Ông Vũ Đức Dân - Phó Trưởng Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Iar sai, huyện Krong pa, tỉnh Gia Lai lý giải ở những buôn gần rừng, người ta thường lợi dụng lúc lực lượng chức năng nghỉ ngơi để vận chuyển lén lút. Trong rừng lại rất nhiều đường đi ra nên rất khó chặn. Ông Dân cũng thừa nhận những hạn chế của lực lượng bảo vệ rừng do quá ít người để có thể ngăn chặn sự thoắt ẩn thoắt hiện của những "phi đội lâm tặc" ban đêm, người dân còn gọi là những đoàn xe ma.

Thay vì những chiếc xe trọng tải lớn để vận chuyển những khối gỗ cồng kềnh như trước, kẻ trộm gỗ bây giờ biết tận dụng phương tiện hiện có của mình cùng với sự thông thạo địa bàn để thực hiện các phi vụ đưa gỗ ra khỏi rừng. Với bằng chứng hàng chục chiếc xe độ chế, hàng trăm khối gỗ thu giữ này, Kiểm lâm Krong Pa khẳng định "lâm tặc bóng đêm" không ai khác chính là những người dân sống quanh khu vực rừng. Vậy động cơ nào khiến họ trở thành những bóng ma rừng?

2 chuyến gỗ đủ bù lỗ một chiếc xe

Nhức nhối cuộc chiến với lâm tặc bóng đêm tại rừng Krong Pa, Gia Lai - Ảnh 3.

Những chiếc xe độ chế được dùng để chở gỗ.

Một người dân địa phương từng cùng với bạn sống bằng nghề này tiết lộ 2 lần đi gỗ đủ mua 1 chiếc xe trị giá 6 - 7 triệu đồng.

Tiền triệu mỗi ngày có vẻ không khó đối với những người chuyên phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép. Với hàng chục chiếc xe vận chuyển trót lọt gỗ ra khỏi rừng mỗi đêm, những cánh rừng nguyên sinh hay rừng phòng hộ sẽ ra sao?

Tan hoang những cánh rừng phòng hộ ở Krong Pa

Tại khu vực rừng phòng hộ Iarsai, âm thanh tiếng cưa máy rít lên từng hồi, dứt tiếng cưa là tiếng cây rừng ào ào đổ xuống. Những cây bằng lăng cao từ 15m - 20m là mục tiêu của lâm tặc.

Điều này đã lý giải tại những cánh rừng khu vực này nhìn từ trên cao xuống cứ loang lổ, tan hoang. Ngay tại bìa rừng khu vực đồi khỉ thuộc lâm phần quản lý Ban quản lý rừng phòng hộ Yarsai, Huyện Krongpa. Tại đây, rất nhiều cây gỗ đường kính 20 - 50 cm đã bị chặt hạ. Rất nhiều cây gỗ, phần lớn là bằng lăng, chỉ còn trơ gốc và ngọn...

Càng vào sâu bên trong càng phát hiện thêm nhiều cây to bị chặt hạ. Một số cây đang bóc tách chưa kịp đưa ra khỏi rừng. Kiểm lâm Krong Pa thì cho rằng các đối tượng tham gia phá rừng, trộm gỗ hoạt động cũng ngày càng tinh vi.

Nhức nhối cuộc chiến với lâm tặc bóng đêm tại rừng Krong Pa, Gia Lai - Ảnh 4.

Những cánh rừng bị biến thành nương rẫy hoặc phá tan hoang.

Cảnh tượng tan hoang này cũng mới xảy ra cuối tháng 4 vừa qua tại khu vực giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk và Krong Pa, Gia Lai. Các đối tượng đã trà trộn với nhân công của một công ty đang khai thác trồng rừng ở gần khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô vào chặt hạ hàng trăm cây bàng lăng rồi cất giấu và dùng xe máy độ chế vận chuyển ra ngoài.

Theo thống kê của Kiểm lâm huyện, năm 2019, lực lượng chức năng huyện Krong Pa đã phát hiện 47 vụ vi phạm lâm luật, xử lý 34 vụ, trong đó có 5 vụ khởi tố hình sự. Từ đầu năm 2020 đến nay đã phát hiện trên 50 vụ phá rừng (tăng 3 vụ so năm 2019), tang vật tịch thu hơn 77m2 gỗ, phạt hành chính hơn 150 triệu đồng, đã khởi tố hình sự 12 vụ.

Bất cập chuyện quản lý rừng

Ngành chức năng Krong Pa cho rằng trong khi diện tích rừng rất lớn (hơn 47.000 ha), mỗi kiểm lâm phải quản lý trên 6.000 ha rừng, do đó không đủ sức ngăn cản trước một làn sóng lâm tặc xâm hại rừng cả trong lẫn ngoài.

Để làm dịu đi những nhức nhối này, ngành chức năng cùng chính quyền các xã cũng nỗ lực đưa ra các giải pháp phối hợp, tuyên truyền vận động nhưng xem ra cũng không hề đơn giản.

Tại một buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật về bảo vệ rừng có cả già làng Rah Lan Black cùng một số trai tráng vừa đi rẫy về, tất cả đều chăm chú lắng nghe và hiểu. Tuy nhiên, chỉ trước máy quay giấu kín, họ mới bộc lộ điều mình suy nghĩ.

Qua tìm hiểu, đa số bà con ở đây ngoài vụ lúa, số ít chăn nuôi bò, số thì trồng khoai mỳ, trung bình mỗi hộ 3ha, chỉ cho thu nhập khoảng 12 triệu đồng/năm. Hàng năm, tỉnh Gia Lai, đã chi hơn 100 tỷ đồng cho dịch vụ môi trường rừng. Số tiền nhận khoán bảo vệ rừng chi trả từ 120.000 đồng đến 400.000 đồng/ha/năm tùy vùng. Theo đó, mỗi hộ gia đình thường nhận khoán bảo vệ rừng tối đa 30ha.

Tuy nhiên, ông Tạ Duy Khanh - Phó Chủ tịch huyện Krong Pa, tỉnh Gia Lai cho biết người dân không nhận giao rừng bởi kinh tế trồng rừng không hiệu quả trên dưới 10 năm mới cho thu hoạch nên người ta cứ vi phạm lấn chiếm đất rừng. Chính quyền địa phương có nhiều biện pháp làm giảm nhất định nhưng vẫn không thể nào dứt điểm.

Kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng năm 2017 của tỉnh Gia Lai, trong tổng hơn 100.390 ha đất lâm nghiệp thì diện tích bị lấn chiếm ở Krong Pa là 7.688,28 ha. Có xã hơn 362 ha rừng bị biến thành nương rẫy. Một số trường hợp cán bộ lâm trường tiếp tay cho lâm tặc vận chuyển gỗ cũng đã bị xử lý.

Rừng Krong Pa từng nổi tiếng với các loại gỗ quý như gỗ quý như hương, trắc - "miếng mồi ngon" cho lâm tặc khắp nơi "xâu xé". Đến nay, vết thương chưa kịp lành, rừng lại phải đối mặt với một cuộc tàn phá mới, lần này, thủ phạm không chỉ lâm tặc đến trộm gỗ mà có cả đội quân lấn chiếm đất rừng người bản điạ, nhiều người gọi họ là "lâm tặc bóng đêm".

Gia Lai: Hàng chục cán bộ bị kỷ luật vì buông lỏng bảo vệ rừng Gia Lai: Hàng chục cán bộ bị kỷ luật vì buông lỏng bảo vệ rừng

VTV.vn - Theo UBND tỉnh Gia Lai, trong năm 2019, riêng Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đã tiến hành xử lý kỷ luật 35 cán bộ vì để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước