Trong thời gian qua, tại khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, hàng trăm chiếc bẫy thú rừng trái phép, được phát hiện. Điều này cho thấy việc đặt nhiều bẫy thú rừng ở đây đang đe dọa đến các loại động vật hoang dã, mất dần tính đa dạng sinh học. Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng ở khu bảo tồn thường xuyên tuần tra, kiểm soát và tháo gỡ các loại bẫy, để trả lại sự an toàn cho các loại thú trên những cánh rừng tự nhiên.
Chiếc bẫy mà người dân dùng để bẫy thú rừng.
Theo chân đội bảo vệ rừng của khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, phóng viên chứng kiến những chiếc bẫy mà người dân dùng để bẫy thú rừng rất nguy hiểm. Các loại bẫy thường đặt rất kín đáo. Nếu không thông thạo địa hình, rất khó đoán biết được những chiếc bẫy người dân sẽ đặt vào vị trí nào trong những cánh rừng bao la.
Các loại bẫy thường đặt rất kín đáo.
"Tôi cũng rất am hiểu về địa điểm họ hay đặt bẫy. Tôi cũng thường xuyên đi tuần tra và phát hiện và tháo được khoảng 120 cái bẫy", anh Hồ Văn Thuân, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Quảng Trị cho biết.
Anh Trần Anh Đức, Phụ trách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Nguồn Rào, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cho biết tại đây có 2 đội tháo gỡ bẫy chuyên nghiệp. Hai đội này sẽ luân phiên nhau tuần tra trên những diện tích có nguy cơ xâm hại về động vật để phát hiện tháo gỡ tất các loại bẫy.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng bảo vệ rừng của khu bảo tồn đã tháo trên 300 cái bẫy thú. Tuy nhiên, tình hình người dân đặt bẫy thú còn nhiều diễn biến phức tạp.
Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Quảng Trị cho biết: "Nâng cao nhận thức qua các đợt tập huấn, cũng như cán bộ khu bảo tồn cũng được trang bị các thiết bị để tuần tra tháo gỡ bẫy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng việc tháo gỡ bẫy không phải chỉ nhiệm vụ của khu bảo tồ mà là nhiệm vụ của cộng đồng bảo vệ rừng của người dân thôn bản".
Vấn đề đặt bẫy như thế này, nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt rất nặng. Tuy nhiên, vì mưu sinh mà người dân bất chấp làm trái pháp luật. Để ngăn chặn tình trạng trên, cần có sự phối hợp tích cực, của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương, trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo nguồn lợi rừng, đồng thời có hình thức xử phạt nghiêm khắc, răn đe hơn đối với hành vi săn bắt động vật rừng trái phép…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!