Những câu chuyện đặc biệt về người khuyết tật

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 02/12/2022 12:53 GMT+7

VTV.vn - Trong dịp kỉ niệm 30 năm ngày Quốc tế Người khuyết tật, hãy cùng nhìn lại những chuyển biến trong đời sống của lực lượng yếu thế nhưng lại vô cùng nghị lực trong xã hội.

Ngày 3/12 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn làm ngày Quốc tế Người khuyết tật, với mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ cho nhân quyền và phúc lợi của người khuyết tật.

Kỳ tích trong thể thao của những người hùng khuyết tật

Thời gian vừa qua, nhiều khán giả rất ấn tượng với câu chuyện truyền cảm hứng của chàng trai 20 tuổi không có nửa thân dưới, trở thành đại sứ đặc biệt của World Cup 2022.

Những câu chuyện đặc biệt về người khuyết tật - Ảnh 1.

Câu chuyện truyền cảm hứng của chàng trai mất nửa thân dưới trở thành đại sứ World Cup 2022.

Vừa mới chào đời, Ghanim Al-Muftah đã bị chẩn đoán mắc hội chứng thoái hóa CDS - một chứng rối loạn hiếm gặp, khiến phần thân dưới không thể phát triển. Biến khuyết điểm thành động lực, Ghanim tự mình di chuyển bằng hai tay, chàng trai còn yêu thích chơi thể thao như: bóng đá, bơi lội, trượt ván và leo núi.

Ngoài đến trường, Ghanim còn điều hành doanh nghiệp chuyên sản xuất kem, với hơn 60 nhân viên. Chính sự vượt lên nghịch cảnh đã mang lại cho anh tình yêu, sự tôn trọng và lòng ngưỡng mộ của hàng triệu người dân ở Quatar và trên toàn cầu.

Những câu chuyện đặc biệt về người khuyết tật - Ảnh 2.

Kỳ tích vẫn luôn xảy ra như 1 điều kỳ diệu trong cuộc sống. Và việc người khuyết tật có thể vượt lên chính mình để tham gia vào các môn thể thao cũng có thể coi là những kỳ tích như thế.

Tại Việt Nam, một cậu bé dù mất 2 chân nhưng vẫn chơi bóng đá, một người khiếm thị vẫn có thể trở thành VĐV bơi lội.

Bị gấu cắn mất chân từ khi còn nhỏ, nhưng Phạm Tuấn Hưng không để điều đó ngăn cản tình yêu trái bóng. Làm bạn với trái bóng tròn đã phần nào giúp Hưng xóa đi những mặc cảm khuyết tật để hòa nhập với cộng đồng.

Không chỉ có niềm đam mê bóng đá, "chàng trai không chân" còn truyền cảm hứng cho mọi người dù cuộc sống đầy thách thức. Những clip quay lại cảnh Hưng chơi bóng với bạn bè trên kênh Tiktok và Facebook của Hưng thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi.

Những câu chuyện đặc biệt về người khuyết tật - Ảnh 3.

Còn đối với vợ chồng VĐV khuyết tật Trần Quốc Phi và Lê Thị Trâm, đều là những người khiếm khuyết nên anh chị hiểu được phần nào khó khăn của những người đồng cảnh ngộ khi bắt đầu bộ môn bơi.

"Về tập luyện như người bình thường đã là khó khăn rồi chứ đừng nói những người hạn chế vận động như chúng mình nữa, khó khăn hơn rất là nhiều. Có lẽ chúng mình đều là những người khiếm khuyết nên trong vấn đề tập luyện, chúng mình khá ăn ý với nhau. Anh không thấy đường thì mình dẫn đường và chuẩn bị đồ tập cho anh. Anh hỗ trợ mình phần kỹ thuật", chị Lê Thị Trâm - VĐV khuyết tật Đoàn thể thao TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Bước ra khỏi rào cản tự ti của chính mình và đến với thể thao, anh Phi và chị Trâm không chỉ mang về những thành tích cao mà còn cùng nhau gây dựng gia đình hạnh phúc.

Phạm Tuấn Hưng hay VĐV khuyết tật Trần Quốc Phi và VĐV Lê Thị Trâm, đó chỉ là số ít người hùng khiếm khuyết đạt được kỳ tích trong thể thao. Họ vẫn đã và đang làm đẹp cho cuộc đời hôm nay.

Người khuyết tật thích ứng với công nghệ thông tin

Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng xã hội số. Việc hỗ trợ tiếp cận với công nghệ số, tổ chức các lớp học hướng nghiệp dạy nghề về công nghệ thông tin cho người khuyết tật, cũng đang được kỳ vọng, không chỉ giúp họ hòa nhập mà còn mở ra sinh kế mới cho họ cả trước mắt và lâu dài. Nhiều công việc liên quan đến công nghệ thông tin đã và đang cho thấy sự phù hợp, và mang lại thu nhập cao, cho cộng đồng người khuyết tật.

Các học viên của lớp học Công nghệ thông tin của Hội người mù quận Thanh Xuân đang rộn ràng bắt đầu với những bài học ứng dụng để đặt xe công nghệ.

Những câu chuyện đặc biệt về người khuyết tật - Ảnh 4.

Đến với lớp học này, những học viên đặc biệt ấy với nhiều độ tuổi khác nhau, được đến với ánh sáng công nghệ, được có thêm niềm vui và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Còn với những người khuyết tật tại Trung tâm Nghị lực sống, những buổi học thiết kế miễn phí đã giúp họ tiếp cận công nghệ. Học đi đôi với hành, công nghệ thông tin hiện đang dần trở thành cơ hội nghề nghiệp với những người khuyết tật.

Những câu chuyện đặc biệt về người khuyết tật - Ảnh 5.

Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật

Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ người khuyết tật cũng là một trong những nội dung được đặt ra tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế về người khuyết tật, cùng diễn đàn với chủ đề "Lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật" đã được Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc và Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, phối hợp tổ chức.

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, diễn đàn cũng đã nêu lên nhiều vấn đề có ý nghĩa thiết thực, như: Những chính sách mới trong quy trình và thủ tục vay vốn.

Đặc biệt, vấn đề về giao thông cho người khuyết tật được quan tâm hơn cả. Bởi theo quy định của pháp luật, đã có những nội dung rõ ràng về đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật khi tham gia giao thông, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

Người thầy dạy nghề cho người khuyết tật Người thầy dạy nghề cho người khuyết tật

VTV.vn - Ông Trần Văn Tín được biết đến với nhiều sáng chế, sáng tạo hữu ích cho cộng đồng và trao cơ hội việc làm cho hàng trăm người khuyết tật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước