Nhân viên Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm dọn vệ sinh đáy biển, bảo vệ rạn san hô. (Ảnh: NLĐ)
Thời gian gần đây, nhiều rạn san hô tại vùng biển các địa phương trên cả nước có nguy cơ bị hủy hoại, do tình trạng ô nhiễm vốn là hệ lụy phát sinh từ hoạt động du lịch thiếu kiểm soát.
Mới nhất là tình trạng đáng báo động tại Vịnh Nha Trang, khi san hô tại đây chết hàng loạt và bị suy giảm nghiêm trọng. Cứu san hô chính là cứu biển và giữ lại sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái biển.
Dọn vệ sinh đáy biển, thu gom lưới, túi nilon vướng vào rạn san hô... Với hình thức giám sát rác thải theo phương pháp mới, cơ sở dữ liệu sẽ được thu thập từ mặt cắt dưới biển và 6 vùng rạn san hô đang nuôi cấy. Nhờ đó, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thường xuyên đánh giá tác nhân ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững hệ sinh thái dưới nước; Kết quả là lượng rác thải nguy hại đã giảm đi rất đáng kể.
Cùng với hoạt động bảo tồn rạn san hô và hệ sinh thái dưới đáy biển, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động khác để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân và du khách. Tuy nhiên, nếu như việc thực hiện các hoạt động trên bờ khá thuận lợi, thì việc giám sát rác thải nhựa dưới đáy biển luôn đặt ra nhiều thách thức.
Khảo sát mới nhất cho thấy, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm có hơn 300 loài san hô, thuộc 40 giống và 17 họ, được đánh giá là một trong những vùng biển có hệ sinh thái đa dạng và phong phú bậc nhất ở Việt Nam. Những năm gần đây, hệ sinh thái rạn san hô tăng trưởng mạnh, nhờ đó, cỏ biển, rong biển cũng phát triển khá tốt, nguồn lợi thủy sản đã không ngừng tăng cao. Như vậy, nỗ lực bảo tồn rạn san hô tại Cù Lao Chàm vừa có vai trò quan trọng bảo vệ hệ sinh thái dưới nước, vừa góp phần phát triển bền vững du lịch biển đảo, nâng cao thu nhập cho cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!