Nỗi lo sạt lở từ hoạt động khai thác cát trái phép

Nhóm Phóng viên Chuyển động 24h-Chủ nhật, ngày 31/03/2024 15:55 GMT+7

VTV.vn - Khoảng 36.000 gốc cây bạch đàn giữ đất nằm gần bãi khai thác cát bỗng bị chặt phá còn các đơn vị khai thác thì nhân đôi số phương tiện hút cát, gây sạt lở nhanh chóng.

Câu chuyện khai thác cát và nỗi lo sạt lở bờ sông không phải là câu chuyện mới nhưng hệ lụy mà nó gây ra chẳng bao giờ cũ. Có lẽ thấu hiểu điều đó nhất lúc này là các hộ dân có đất đai hoa màu trên vùng bãi bồi sông Hồng, thuộc địa bàn phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hoạt động khai thác khoáng sản cát tại lòng sông Hồng thời gian gần đây đã trực tiếp ảnh hưởng tới sinh kế của họ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Những gốc cây bạch đàn là những gì còn lại sau vụ chặt phá xảy ra trên bãi bồi sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ vào đêm ngày 4/2. Theo đại diện hợp tác xã nông nghiệp của địa phương, cây trồng trên cát không những là tài sản của người dân sau nhiều năm mà còn có vai trò giữ đất chống sạt lở ven bờ.

Theo người dân, tại khu vực bãi bồi có khoảng 36.000 cây bạch đàn bị chặt hạ, thiệt hại ước tính khoảng 600 triệu đồng. Dù đã nhận được đơn trình báo của người dân nhưng đến nay, theo báo cáo của phường Minh Nông, hiện vẫn chưa xác định được đối tượng chặt phá.

Nỗi lo sạt lở từ hoạt động khai thác cát trái phép  - Ảnh 1.

Những gì còn sót lại trên bãi bồi sau khi 36.000 cây bạch đàn bị phá hoại.

Ông Nguyễn Quang Chung, Chủ tịch UBND phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho biết: "Để trồng cây trên cát đòi hỏi thời gian dài. Bãi cát cũng ở xa nơi sống của người dân. Người dân phải đầu tư nhiều tiền của công sức thì mới chăm bón được cây lớn. Ngoài thiệt hại kinh tế cho người dân thì hành động phá hoại còn làm phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn".

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho rằng: "Chỉ có thể đơn vị hút cát gây ra bởi sau khi người dân ra vun lại gốc xem có nảy mầm không thì bị người của đơn vị hút cát đe dọa".

Mọi nghi ngờ đến nay vẫn chỉ là phỏng đoán. Nhưng trên thực tế người dân chứng kiến, tại vị trí bãi bồi nơi xảy ra chuyện chặt cây, hoạt động khai thác cát diễn ra rất thường xuyên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên giấy tờ, tại khu vực khúc sông này có công ty TNHH Nhật Linh đang được cấp phép khai thác cát ở lòng sông Hồng. Doanh nghiệp cũng phải cắm mốc để nhận diện vị trí ranh giới mỏ được khai thác nhưng tìm đỏ mắt cũng không thấy. Thậm chí trên giấy tờ, doanh nghiệp chỉ đăng ký 2 phương tiện hoạt động nhưng có thời điểm ghi hình, phóng viên ghi nhận 4 tàu cùng nhau hoạt động hết công suất.

Ông Nguyễn Quang Chung, Chủ tịch UBND phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thông tin: "Chúng tôi đã kiểm tra tại thực địa thì chưa có đơn vị nào được cấp phép khai thác gần khu vực người dân trồng hoa màu".

Một người dân sinh sống gần đó cho biết nếu cứ tiếp tục hút thì sẽ gây sạt lở mấy chục m2 đất. Người dân sẽ lại tan tác không biết sẽ ở đâu.

Dưới bãi bồi là cát nên tàu hút cát xuất hiện ở đâu, bờ bãi lở xuống sông đến đó. Với tốc độ sạt lở đang diễn ra, người dân lo ngại có lẽ chẳng mấy chốc những gốc cây bạch đàn, vốn là tang vật duy nhất còn sót lại sau vụ chặt hạ, cũng sẽ sớm muộn trôi xuống dòng nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

khai thác cát

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước