Tuần qua, Hà Nội chính thức đón trẻ mầm non quay trở lại trường. Buổi sáng khi ra đường, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh quen thuộc những ông bố bà mẹ kẹp nách 2 đứa con với chiếc cặp to sụ, len lỏi qua những dòng người vội vã chen lấn vì tắc đường. Như vậy, cuộc sống bình thường đã thực sự về lại như trước đây: trẻ con đi học, người lớn đi làm. Dù đâu đó vẫn còn dịch bệnh nhưng sự lo ngại vì COVID-19 đã vơi dần.
Sau gần 1 tuần tới trường, nhiều trường mầm non ở Thủ đô đã tổ chức các chương trình vui nhộn tại lớp để tạo hứng khởi cho các em, vì thế tâm lý học sinh đã dần ổn định hơn, không còn cảnh khóc đòi bố mẹ. Việc tổ chức ăn bán trú cũng được các trường thực hiện ngay khi học sinh quay lại trường. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội là địa phương cho trẻ mầm non nghỉ ở nhà lâu nhất. Hơn 1100 cơ sở giáo dục mầm non của thành phố đã phải đóng cửa hoàn toàn kể từ tháng 4/2021. Sau ngày 13/4, toàn bộ 2,2 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông ở Hà Nội được đi học trực tiếp đầy đủ.
Mở cửa trở lại, trường công lập khá thuận lợi, đội ngũ giáo viên không ai nghỉ việc, trường lớp được duy trì vệ sinh sạch sẽ. Riêng khối tư thục lại gặp rất nhiều thử thách. Trong những ngày này, nhiều cơ sở mầm non ở Hà Nội đang phải tìm kiếm mọi giải pháp để khắc phục khó khăn về kinh phí và nhân sự.
Nỗi lo thiếu giáo viên mầm non ở Hà Nội
"Phòng này là phòng để chứa đồ dùng còn lại của cơ sở cũ. Cơ sở giải thể thì mình chuyển lên để trên này" - Đồ đạc ngổn ngang như chính tâm trạng của chị Ngân - chủ cơ sở mầm non Ngôi sao xanh ở quận Nam Từ Liêm vào lúc này.
Trước đó, chị Ngân buộc phải giải thể 1 cơ sở vì không thể cầm cự lâu hơn. cơ sở còn lại thì đang gặp vấn đề về thuê mặt bằng. Những ngày đầu đi học, học sinh phải gom lại mới đủ tạo thành 1 lớp.
Chị Ngân chia sẻ: "Khi quyết định giải thể cơ sở của mình, chúng tôi cũng đắn đo rất nhiều về nguồn học sinh sẽ học đâu, nhân sự cô giáo đi đâu về đâu. Bây giờ bắt đầu được đi học thì chúng tôi đón được 38% các con học sinh cũ đi học lại".
Tại quận Nam Từ Liêm, số lượng học sinh học ở mầm non tư thục nhiều hơn 5000 cháu so với học ở công lập. Do đó, việc đảm bảo chỗ học cho trẻ trước thực trạng một số trường ngoài công lập phải giải thể là điều rất quan trọng.
Bà Lê Thị Thanh Thâm, Phó trưởng phòng giáo dục đào tạo quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay: "Có 10 nhóm trẻ trong thời gian khó khăn vừa qua cũng đã xin giải thể với số lượng 360 học sinh. Phòng Giáo dục đã chỉ đạo các trường công lập nhận hết số trẻ ở nhóm đã bị giải thể đó".
Theo thống kê, gần 250 trường và nhóm lớp mầm non tư thục ở Thủ đô đã phải đóng cửa từ năm 2021 đến nay.
Những trường mở lại thì trăm nỗi lo. Như trường Ngôi Nhà Trẻ Thơ (huyện Thanh Trì, Hà Nội), vừa cải tạo vừa đón học sinh trở lại, hiện mới duy trì được 3 thay vì 5 lớp học như trước kia, cũng vì khó tìm giáo viên. Chủ cơ sở này cho biết, trường trước kia có 75 em theo học, chia làm 5 lớp với 10 giáo viên. Tuy nhiên, bây giờ trở lại giảng dạy chỉ có 6 cô, vì thế, hiện số lớp học duy trì được cũng giảm đi tương ứng.
Có chung vấn đề với ngôi trường kể trên, cô Nguyễn Thị Phương Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Hoa Mai, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho hay: "Nhà trường đã bị thiếu rất nhiều giáo viên, bởi vì trong thời gian nghỉ quá dài có những cô chuyển nghề khác, sau đó quen nghề khác. Bây giờ muốn quay lại nghề các cô cũng lăn tăn suy nghĩ, cho nên nhà trường cũng đang động viên để các cô quay lại".
Trong gần 600.000 học sinh mầm non ở Hà Nội, thì khoảng gần 30% trong số đó theo học tại các trường tư thục.
Theo dự báo, bắt đầu từ tháng 5, khi 100% trẻ đi học trở lại, lúc đó, bài toán thiếu hụt nơi trông trẻ và giáo viên mầm non sẽ càng trở nên nan giải hơn.
Hỗ trợ giáo viên mầm non tư thục
Theo Vụ Giáo dục mầm non - Bộ Giáo dục - Đào tạo, giáo viên mầm non, đặc biệt mầm non ngoài công lập thời gian tới là đối tượng cần đặc biệt được quan tâm. Và chính phủ cũng đã thấy được điều này, cụ thể tại nghị quyết số 12 vừa qua đã có hẳn nhiệm vụ giao Bộ phối hợp với Bộ tài chính để trình chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập để các giáo viên này quay lại làm việc. Trước đó, nhiều giáo viên mầm non tư thục cũng đã được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng theo nghị quyết 68 của chính phủ. Tuy nhiên, con số này thực sự chưa nhiều.
Lo lắng cho cấp học mầm non
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!