Sau nhiều năm thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp Hà Nội đã đạt được nhiều thành quả tích cực, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tiết kiệm chi phí cũng như tạo được nhiều đột phá trong phát triển nông nghiệp.
Theo Báo cáo trên địa bàn TP hiện có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 11 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.
Các công nghệ cao được áp dụng trên địa bàn TP chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt là trồng cây trong nhà màng, nhà lưới, nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel; áp dụng quy trình canh tác hữu cơ; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất, phòng, trừ bệnh hại; sử dụng các giống lúa, rau, hoa chất lượng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi gồm ứng dụng công nghệ chuồng lồng có trang trại hệ thống phun sương làm mát, nước uống, máng tự động. Với lĩnh vực thủy sản là sử dụng quạt nước, chế phẩm sinh học trong xử lý nguồn nước. Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và mang lại thu nhập cao hơn so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Hàng năm, các cán bộ thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trung tâm Khuyến nông cũng chủ động triển khai các chương trình, dự án, nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Song song với việc thực hiện các lớp tập huấn, Trung tâm Khuyến nông cũng tham vấn Sở NN-PTNT trong việc đẩy mạnh lĩnh vực Xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Kết quả đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & PTNT; tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản; duy trì, phát triển Chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị…
Nông nghiệp áp dụng công nghệ kĩ thuật giúp chất lượng và giá trị sản phẩm tăng lên
Ngoài ra để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Hà Nội đã hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm như: ISO, HACCP, VietGap... Hiện có 67 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông sản xây dựng, áp dụng và được cấp chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP. Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu (số lượng, loại hình) như: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Hà Nội đã xây dựng được 17 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp.
Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đổi mới khoa học công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, tạo sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững trên cả 3 mặt: Kinh tế - xã hội và môi trường. TP sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thu hút vốn đầu tư, tích tụ đất đai, đồng thời, tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng.
Dự kiến giai đoạn 2021-2030, Thành phố Hà Nội sẽ triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp như Kế hoạch Duy trì, phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi và thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!