Ám ảnh tiếng ồn tại khu dân cư
Thử đứng trong 1 khu vực bị bủa vây bởi quá nhiều loại tiếng ồn, phóng viên VTV thậm chí đã phải gào lên để giọng nói của mình có thể lọt vào micro. Nhưng đây không phải tình trạng của riêng ai mà thậm chí càng ngày chúng ta càng dễ gặp phải.
Hẳn đã có lúc nào đó, trong 1 cuộc nói chuyện, chúng ta cảm thấy mệt vì phải gào lên do ảnh hưởng của tiếng ồn xung quanh. Ở nhiều nơi, người dân vẫn phải sống chung tới tình trạng này. Phổ biến ở thành thị thì là loa kéo, karaoke ở khu tập thể, loa quảng cáo hàng rong, quán xá ăn nhậu hò hét, khoan cắt bê tông ... Nhiều vùng thôn quê thì đinh tai nhức óc với sáo diều có nơi thả cả đêm... Hàng trăm kiểu ồn ào làm xáo trộn cuộc sống của người dân.
Theo quy định, lực lượng chức năng kiểm soát tiếng ồn từ 22 giờ đến 6 giờ sáng tại các khu dân cư nhưng ô nhiễm tiếng ồn thì lại diễn ra cả ngày. Nhiều khu dân cư vẫn đang trong tình trạng inh tai nhức óc vì karaoke tự phát, rồi tiệc tùng hàng quán ngoài trời. Không chỉ mang lại sự khó chịu, những xáo trộn về sinh hoạt, mà nó còn là nguy cơ sức khỏe. Như tình trạng tại 1 số khu chung cư ở Hà Nội sau đây là ví dụ điển hình...
Hình ảnh người dân ghi lại tại chung cư EcoDream, Hà Nội cho thấy, 10h đêm tới 4h sáng là thời gian hoạt động "nhộn nhịp" nhất của trạm trộn bê tông. Một người dân tên Hưng ám ảnh với tiếng ồn này suốt 1 năm chuyển về đây. Ở tầng thấp, anh cho biết phải hứng chịu toàn bộ tiếng vọng từ đại công trường, chỉ cách 1 con đường nhỏ.
"Đấy mọi người xem tiếng ồn như vậy rất khó ngủ và khó ngủ sâu, đặc biệt nhà có con nhỏ thì vô cùng ảnh hưởng, cháu thức đêm liên tục, mệt mỏi" - anh Hưng chia sẻ với phóng viên VTV.
Còn với ông Cường, 1 người dân khác sống tại khu vực này, ông cũng chỉ biết kêu trời: "Làm thế nào trả lại cho chúng tôi sự bình yên, nhất là về đêm. Họ ồn suốt ngày đêm, ô tô chạy ra chạy vào xe đổ bê tông..."
Ở chung cư, nhiều chuyện dở khóc dở cười... 11h đêm vang lên tiếng gõ... 2h sáng, vang tiếng hát. Hay tiếng quạt thông gió của tòa nhà đối diện, cách xa 4 làn đường, cũng đủ làm chúng ta giật mình, thức trắng... như cư dân tòa nhà Golden Palm chịu đựng: ào ào bão lớn trong đêm.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, tiếng ồn gây ra phản ứng giống như stress. Khi mà nghe ồn đặc biệt không thể kiểm soát được thì ảnh hưởng tim. Nghiên cứu chỉ ra cường độ âm thanh tăng 10 decibels (dB) thì có thêm 6% nguy cơ bị mắc bệnh tim mạch.
Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường như khu chung cư, nhà ở, khách sạn... là: 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA ( Từ 21h đến 6h). Luật quy định xử phạt tối thiểu 1 triệu đồng khi gây ồn vượt quy chuẩn 02 dBA; Phạt đối đa 160 triệu đồng với hành vi gây ồn vượt quy chuẩn 40 dBA. Tuy nhiên thì trên thực tế, tình trạng này dễ phát hiện, nhưng lại khó xác định, xử lý vi phạm.
Ví dụ như tại TP Hồ Chí Minh - đô thị lớn và sầm uất bậc nhất Việt Nam, hiện mức phạt đối với vi phạm quy định về tiếng ồn chỉ từ 100.000 đến 300.000 đồng và chỉ xử phạt từ 22 giờ đến 6 giờ sáng. Mức phạt này dường như đủ sức răn đe. Thêm vào đó, để xử phạt phải có kết quả đo đạc do đơn vị chức năng thực hiện. Trong khi máy đo chỉ áp dụng trong không gian cụ thể, chứ không áp dụng với không gian công cộng. Điều nay khiến việc xử phạt rơi vào bế tắc.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho hay, giải pháp xử lý được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến cuối tháng 5 tập trung vào tuyên truyền. Sang giai đoạn 2, sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
"Sau đợt cao điểm tập trung xử lý ô nhiễm tiếng ồn, đến cuối năm, Thành phố sẽ sơ kết đánh giá. Từ đó rút kinh nghiệm để triển khai tiếp, nếu cần thiết sẽ bổ sung các quy định. Công việc này là thường xuyên. Trong đó, phải có sự chia sẻ, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu địa phương" - ông Hoan cho biết thêm...
Mô hình xử phạt vi phạm tiếng ồn ở các nước
Tại Ấn Độ, ô nhiễm tiếng ồn đã trở thành vấn đề nan giải ở các thành phố lớn, khi mà các trạm đo đạc luôn ghi nhận mức độ tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép cả ngày lẫn đêm. Do đó trong năm ngoái, nước này đã tăng hình phạt đối với những người gây ra tiếng ồn vượt mức cho phép, tiền phạt tối đa lên tới 100 nghìn rupi tương đương 1300 USD.
Tại Trung Quốc, Chính phủ nước này yêu cầu lắp cách âm cho mọi cơ sở, tòa nhà có lắp tăng âm, loa đài, nhạc cụ và thậm chí đối với cả thiết bị sưởi ấm, máy điều hòa gây tiếng ồn. Các loại thiết bị khuếch đại âm thanh chỉ được sử dụng tại các khu vực công cộng từ 10h đến 18h. Công trình xây dựng, sửa chữa bị cấm hoạt động trong khung giờ từ 18h giờ đến 8h sáng hôm sau và trong các ngày cuối tuần. Người vi phạm sẽ bị phạt từ 30 đến 72 USD.
Singapore nổi tiếng là đất nước quy củ. Nếu có bất kỳ khiếu nại nào về tiếng ồn, Bộ Môi trường nước này phải tiến hành đánh giá độc lập về mức độ tiếng ồn. Nếu vượt quá mức độ quy định, người gây ra tiếng ồn phải chịu khoản tiền phạt lên tới 2.000 USD. nếu tái phạm phải nộp 100 USD mỗi ngày tiếp theo.
Trong khi đó, Mỹ đã Ban hành luật chống ô nhiễm tiếng ồn từ năm 1972 với mọi quy định nghiêm ngặt từ giới hạn âm lượng của phương tiện giao thông, máy bay, đến thiết bị sưởi, hệ thống thông gió và điều hòa không khí.
Còn Thụy Sỹ ra quy định rất nghiêm ngặt về tiếng ồn, đến nỗi việc xả nước sau 22h cũng bị coi là hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Người vi phạm sẽ bị phạt từ 50-1000 USD: người la hét trên đường phố bị phạt 150 USD, bấm còi ô tô gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của khu phố bị phạt từ 300-1000 USD.
Ở Nhật Bản, quy định này còn cao hơn - tiếng ồn công cộng không được vượt quá 45 dB, tương đương chim hót.Một số trường mẫu giáo tại Nhật Bản phải sử dụng màng cách âm để ngăn chặn tiếng cười đùa của trẻ em.Tại một đất nước rất mê hát karaoke, họ tiếp tục chế ra bộ thiết bị hát karaoke giảm thanh, giúp người hát sống cùng đam mê mà không ảnh hưởng đến ai. Bộ thiết bị này được gọi là Hitori de Karaoke DX, hay karaoke một người. Thiết bị này cho phép người hát hát thoải mái trong khi điều chỉnh âm thanh vừa đủ để không làm phiền người khác. Về cơ bản, bộ thiết bị này không thể bảo vệ người cùng phòng khỏi bị làm phiền nhưng với hàng xóm thì vô tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!